NGHỆ THUẬT ẨM THỰC: Lê- Nguyên liệu cần thiết trong ẩm thực

 

NGHỆ THUẬT ẨM THỰC

 Nguyên liệu cần thiết trong ẩm thực

 

      Hằng năm, mỗi khi đến dịp Trung Thu, nhiều người tặng lê làm quà cho nhau. Ánh lên sắc vàng khiến người ta liên tưởng cảnh sắc mùa thu lá rơi, những quả lê to chín mọng vừa là một trong những thức quả người Hàn Quốc yêu chuộng, vừa là thực phẩm được sử dụng phổ biến trong nấu ăn, và còn là dược liệu được tận dụng trong nhiều liệu pháp y học dân tộc truyền thống. Gần đây, lê được chú ý đến như một nguyên liệu có thể thay thế vi hạt nhựa.

     Lê, loại quả nghĩ đến là thấy thanh mát. Cầm quả lê to chín mọng vàng ươm, chỉ cần ngửi hương đã thấy mát và ngọt lịm. Không như ở phương Tây, lê thường được bán khi quả còn xanh, tại Hàn Quốc, lê được bán lúc chín mọng nên có thể ăn liền khi về đến nhà.

Ngoài chứa nước, đường, lê còn có chất xơ, kali, vitamin C và hàm lượng các chất chống oxy hóa đa dạng. Trong lê có đường trái cây (fructose) và sorbitol, nếu ăn quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa, nhưng ngược lại, nó cũng giúp trị chứng táo bón. Theo truyền thống, lê được dùng để giảm táo bón, giải rượu và xoa dịu cơn ho.

Gần đây, hàm lượng kali cao trong trái lê được biết có công dụng giúp kiểm soát huyết áp. Mùa hè năm 2015, cuộc phỏng vấn giáo sư Manny Noakes thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên Bang Úc (CSIRO) đã làm thế giới xôn xao. Bà tuyên bố, nếu uống một ly nước ép lê Hàn Quốc trước khi uống rượu sẽ giúp giảm triệu chứng say rượu.

Tuy vẫn chưa biết đích xác hiệu quả trên nhờ thành phần hay nguyên do cụ thể nào, nhưng nước ép lê Hàn Quốc được cho là làm tăng hoạt tính các men chủ yếu liên quan đến chuyển hóa rượu, giúp rượu trong cơ thể được hóa giải nhanh hơn. Thay vì dùng sau khi uống rượu, phải ăn hoặc uống nước ép lê trước khi dùng đồ uống có cồn thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên, theo kết quả công trình nghiên cứu chung của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trước đây cho thấy hiệu ứng này không xảy ra ở tất cả mọi người và cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào kiểu gien di truyền.

Trái cây sắc trắng của họ hoa Hồng
Ở phương Tây, vóc dáng cơ thể thường được phân loại thành “thân hình trái táo”, “thân hình quả lê” do sự khác biệt về hình dáng giữa hai loại quả này. Trái ngược với trái táo dày ở trên và càng xuống dưới càng thon gọn, lê có hình dạng như chiếc bóng đèn với phần đáy phình ra. Người có dáng trái táo thường có mỡ bụng và vòng eo dày. Người thân hình trái lê phần eo thon gọn hơn, nhưng lại nhiều mỡ ở phần hông. Đa phần nam giới có thân hình trái táo. Vòng eo tăng cũng đồng nghĩa nhiều mỡ trong các cơ quan nội tạng, có nguy cơ cao mắc các hội chứng chuyển hóa nguy hiểm về tiểu đường và tim mạch.

Không giống như phương Tây, loại táo và lê chủ yếu ở Hàn Quốc có hình dạng tương tự nhau. Do đó, lê ở châu Á còn được gọi là “lê táo”. Thông thường, ngoài điểm lê to hơn táo, lê có màu nâu nhạt ánh vàng, khác với màu đỏ hoặc xanh của táo, lê và táo đều tròn tròn không mấy khác biệt nhau về hình dạng. Trên thực tế, táo và lê có quan hệ họ hàng gần thuộc họ hoa hồng. Chúng là trái cây thuộc họ táo tây (pome), quả được tạo thành do đài hoa phình to tạo thành, có nguồn gốc từ lục địa Á-Âu. Nhưng chỉ cần chúng ta cắn thử một miếng là có thể phân biệt táo và lê nhờ kết cấu của chúng. Trong cấu trúc của táo, không khí chiếm một phần tư thể tích tạo cảm giác hơi giòn. Đối với lê, ngay khi cắn là nước ứa ra.

      Lê, một trong những loại trái cây yêu thích của người Hàn Quốc, dùng như món tráng miệng và cũng thường được sử dụng làm nguyên liệu trong nấu ăn. Lê được sử dụng rộng rãi trong các phương thuốc dân gian truyền thống giúp giảm ho, chữa chứng say rượu và giảm táo bón.

Đồ trang trí gia tăng hương vị món ăn
Ở Hàn Quốc, lê thường được sử dụng để nấu ăn. Lê có chứa men phân giải chất đạm, dùng làm mềm thịt khi ướp gia vị món thịt bò xào hay món sườn. Ngoài ra, lê giòn và có vị ngọt nên cũng được ăn kèm với món gỏi thịt bò sống.

Các tài liệu cũ cho thấy lê được thái sợi, đặt lên trang trí, dùng kèm nhiều món ăn. Trong “Đông quốc tuế thời ký (東國歲時記)” (1849) – Ghi chép về những sự kiện và phong tục trong năm của hậu kì triều đại Joseon chỉ cách làm mỳ Golddong – “hỗn hợp các loại rau, lê, hạt dẻ, thịt bò, thịt lợn cắt mỏng đem trộn với dầu ăn, nước tương và mì lúa mạch”. Trong sách dạy nấu ăn cận đại “Thuật nấu ăn Hàn Quốc” (Joseon yori jebeop) xuất bản năm 1921, hướng dẫn thái lê lát mỏng trang trí, ăn chung với cơm trộn (bibimbap). Sách “Thuật nấu ăn Hàn Quốc kiểu mới có một không hai” (Joseon mussang sinsik yori jebeop) xuất bản cùng thời kì vào năm 1924 dùng lê là một trong các nguyên liệu của món miến trộn (japchae).

Nhưng trên tất cả, nhắc đến lê là chúng ta nghĩ ngay đến Dongchimi (một dạng kimchi nước củ cải trắng ăn vào mùa đông) và mì lạnh. Minh Nguyệt Quan (Myeongwolgwan) – nhà hàng nổi tiếng nhất Seoul đầu thế kỉ XX đã thu được thành công vang dội khi ra mắt món mì dongchimi theo phong cách ẩm thực hoàng gia Joseon. Sách “Kiến thức cần thiết cho phụ nữ” (Buin pilji) đầu những năm 1900 mô tả dùng nước dongchimi củ cải trắng muối, cho mì vào; sau đó thêm củ cải, lê và trái thanh yên (loại quả thuộc chi cam chanh) cắt lát mỏng; thịt lợn luộc thái mỏng, trứng chiên cắt sợi đặt lên trên; cuối cùng điểm xuyết thêm một chút tiêu, lê và hạt thông là hoàn thành món mì lạnh Minh Nguyệt Quan.

     Ngày nay, hiếm thấy lê được dùng trang trí trên món cơm trộn hoặc miến trộn trong các nhà hàng Hàn Quốc. Tuy nhiên lê vẫn được thái lát mỏng dọn kèm trong món mì lạnh (naengmyeon) hay mì trộn sốt cay, ngọt mát (bibim guksu). Cho đến ngày nay, trong các gia đình Hàn Quốc hay các nhà hàng, người ta vẫn duy trì phương pháp cho nguyên trái lê vào để tăng vị mát khi làm món củ cải muối dongchimi.

Hương thơm đậm đà của loài lê dại
Trong quá khứ, nếu cứ để vậy ăn, lê có phần ram ráp và vị chua. Từ điển bách khoa toàn thư đời sống gia đình thời kì Joseon “Khuê Hợp Tùng Thư 閨閤叢書” (1809) giới thiệu cách đặc chế món hương tuyết cao (hyangseolgo – kem tuyết hương vị) được làm từ lê như sau:

“Trái lê dại (munbae) chua và cứng được gọt vỏ, cắt theo chiều dọc thành từng miếng đều nhau, sau khi định hình, khảm tiêu nguyên hạt trên các miếng lê. Cho lê vào nồi nước mật ong, thêm gừng cắt lát mỏng, đun lửa nhỏ liu riu cho đến khi lê chuyển sang màu đo đỏ, mật ong thấm sâu vào bên trong và phần hạt trở nên mềm. Lê phải chua thì màu mới chuyển sang đỏ. Nếu không có lê chua, có thể thêm một chút nước quả ngũ vị tử (omija). Trường hợp muốn dọn ăn kèm với mứt hoa quả khô ngâm mật ong (jeonggwa) thì nên đun phần nước mật ong cho đến khi keo lại. Khi muốn dùng dạng nước quế gừng thì không cần đun lâu mà để lại nhiều nước mật ong, sau đó pha thêm bột quế và rắc thêm ít hạt thông”.

Nước lê nấu (baesuk) cũng là món tương tự hương tuyết cao. Lê cắt miếng, dùng đũa tạo các lỗ, ấn hạt tiêu vào, nấu cùng gừng và mật ong. Trong các món ăn này, các trái lê dại được dùng có kích cỡ nhỏ, cứng, vị rất chua và ít ngọt. Theo tiêu chuẩn hiện tại, lê dại có thể gọi là lê đá. Lê dại phương Tây hay châu Á đều thuộc giống lê đá, quả rắn chắc. Kết cấu thịt quả ram ráp như hạt cát là do các tế bào đá (hay còn gọi là thạch bào) chứa nhiều cellulose và lignin.

Lê được dọn ăn cùng món thịt bò sống (tartare) hay còn gọi là yukhoe, vì kết cấu giòn và hương vị

ngọt ngào của nó.

……………………………

Nguồn: https://koreana.or.kr/user/0015/nd84029.do?View&boardNo=00002708&zineInfoNo=0015&pubYear=2019&pubMonth=AUTUMN&pubLang=Vietnam