HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KOREA FOUNDATION 2016 NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY NGỮ PHÁP TIẾNG HÀN VÀ VĂN HÓA – XÃ HỘI HÀN QUỐC

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KOREA FOUNDATION 2016

NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY NGỮ PHÁP TIẾNG HÀN

VÀ VĂN HÓA – XÃ HỘI HÀN QUỐC

           Với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation – KF), Hội thảo Khoa học Quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ pháp Tiếng Hàn và Văn hóa – Xã hội Hàn Quốc đã được Viện Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12 tháng 8 năm 2016 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q1, Tp Hồ Chí Minh.

1

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của quý vị lãnh đạo, các giáo sư, các nhà nghiên cứu từ 4 trường Đại học nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) và 25 trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu, Trung tâm liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu Tiếng Hàn và Hàn Quốc học của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt).

2

PGS.TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã đọc Diễn văn khai mạc Hội thảo. Ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tp HCM và ông Park Kyoung Chul, Giám đốc văn phòng Korea Foundation tại Hà Nội đã tham dự và đọc Diễn văn Chúc mừng. Ông Park Kyoung Chul đã tặng kỷ niệm chương cho đại diện tất cả các trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu, Trung tâm liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu Tiếng Hàn và Hàn Quốc học của Việt Nam và nước ngoài.

3

PGS.TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã đọc Diễn văn khai mạc Hội thảo

4

Ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tp HCM đọc Diễn văn Chào mừng

 

5

Ông Park Kyoung Chul, Giám đốc văn phòng Korea Foundation tại Hà Nội đã tham dự

và đọc Diễn văn Chào mừng

Ban tổ chức đã nhận được 29 báo cáo khoa học, trong đó có 23 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và 6 báo cáo của các nhà khoa học nước ngoài đến từ các trường đại học của Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam. Ngoài việc đăng tải toàn bộ 29 báo cáo trong Kỷ yếu Hội thảo, 20 báo cáo bằng tiếng Việt đã được đăng trong Tạp chí Hàn Quốc số đặc biệt chuyên về Hội thảo lần này.

Theo chủ đề Hội thảo, mảng văn hóa – xã hội Hàn Quốc có 13 báo cáo, mảng nghiên cứu, giảng dạy tiếng Hàn có 16 báo cáo.

Các báo cáo về văn hóa – xã hội Hàn Quốc đề cập đến Hàn Lưu, tôn giáo, lịch sử và chính trị Hàn Quốc.

Có 3 báo cáo liên quan Hàn lưu. PGS.TS Phan Thu Hiền (Khoa Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) đã phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của Hàn Lưu (so sánh với Nhật lưu) thông qua việc xem xét K-pop, Manhwa (trong so sánh với J-pop, Manga), việc xây dựng và phát triển hiệu ứng làn sóng văn hóa quanh những sản phẩm văn hóa chủ chốt, việc xử lý quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế và sự sáng tạo nội dung văn hóa.  Theo tác giả, du nhập Việt Nam muộn hơn chừng một thập niên nhưng Hàn lưu đã phát triển đặc biệt nhanh, thể hiện sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với Nhật lưu. ThS. Vũ Thị Thanh Tâm (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) quan tâm đến vấn đề Định hướng các giá trị sống cho trẻ mầm non qua phim hoạt hình – một gợi ý từ phim hoạt hình Hàn Quốc.  Báo cáo của ThS.  Nguyễn Xuân Thùy Linh  (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) tập trung vào 1 thể loại thế mạnh của Hàn lưu, đó là Webtoon và nêu những ảnh hưởng của nó ở Việt Nam.

6

PGS.TS Phan Thu Hiền (Phó chủ tịch Hội NCKH về Hàn Quốc của Việt Nam, Trưởng Khoa Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) đã phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của Hàn Lưu (so sánh với Nhật lưu)

 

Thuộc lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo Hàn Quốc có 4 báo cáo, trong đó GS.TS Mai Ngọc Chừ (Chủ tịch Hội NCKH về Hàn Quốc của Việt Nam) đi sâu phân tích những đặc điểm chủ yếu của các tôn giáo ở Hàn Quốc, Th.S Trần Thị Họa My (Trường Đại học Hải Phòng) đề cập đến sự du nhập, vai trò và đặc điểm của Phật giáo Hàn Quốc. Theo cách tiếp cận nghiên cứu trường hợp (case study), Th.S Nguyễn Trung Hiệp (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) báo cáo về Nhà sư Iryeon và tác phẩm Tam quốc di sự  trong quan hệ với lịch sử Phật giáo Korea, còn HVCH Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn hiến) thì xem xét Nho giáo Korea qua tiểu thuyết Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan.

 

7

GS.TS Mai Ngọc Chừ (Chủ tịch Hội NCKH về Hàn Quốc của Việt Nam) đi sâu phân tích những đặc điểm chủ yếu của các tôn giáo ở Hàn Quốc

Thuộc lĩnh vực lịch sử – xã hội Hàn Quốc có thể kể đến 4 báo cáo, trong đó Th.S Vũ Thị Thanh Tâm tập trung làm sáng tỏ Những mảnh ghép xã hội Choseon qua thơ ca khuê phòng và thơ ca kỹ nữ.  Th.S Trần Hữu Yến Loan (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) bàn về Lịch sử hình thành các cộng đồng người Hàn trên thế giới, trong đó có cả cộng đồng người Hàn ở Việt Nam. ThS Trần Huyền Trang  và ThS Trần Thị Phương Anh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM) nêu lên một khía cạnh về xã hội đa văn hóa của Hàn Quốc. PGS.TS Hoàng Văn Việt đi sâu phân tích Một số đặc điểm Đảng chính trị Hàn Quốc. Theo tác giả, Đảng chính trị Hàn Quốc có truyền thống ra đời rất sớm; Hệ thống đa đảng chính trị ở Hàn Quốc là một thuộc tính của nền dân chủ – tự do; Hệ thống đảng chính trị Hàn Quốc thể hiện sự thiếu ổn định cả về số lượng đảng, cả về số lượng đảng viên; Chủ nghĩa gia trưởng trong sinh hoạt đảng đã hạn chế nhiều đến dân chủ hóa nội bộ đảng; Sự gắn kết chặt chẽ giữa đảng chính trị và các tập đoàn kinh tế là một đặc điểm nổi bật của đảng chính trị Hàn Quốc; và trong hệ thống đa đảng chính trị Hàn quốc không có chỗ đứng cho Đảng Cộng sản.

Lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất và cũng là nội dung trọng tâm của Hội thảo là vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn, đặc biệt là những vấn đề ngữ pháp. Các báo cáo của 6 học giả đến từ Hàn Quốc và Mỹ đều tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn từ các góc độ ngữ pháp, hội thoại, đọc hiểu và phân tích lỗi. GS. Kang Sahie (Đại học Middlebury, Hoa Kỳ) đưa ra  Đánh giá mức độ thông thạo ngữ pháp tiếng Hàn. GS. Lee Dong Eun (Đại học Kook-min, Hàn Quốc) đề cập đến Lý luận cơ sở về nghiên cứu phân tích hội thoại của người học tiếng Hàn. GS. Lee Jung Hee (Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc) trình bày Phương án chọn và phát triển tài liệu đọc hiểu tiếng Hàn. GS Shin Seung Ho (ĐH Đà Nẵng) Xem xét lại khái niệm vị ngữ trong tiếng Hàn. GS Park Sung Soo (ĐH Đà Nẵng)Nghiên cứu lỗi trong cách biểu hiện thì trong tiếng Hàn của người Việt Nam. Cũng bàn về lỗi, Th.S Đinh Thị Thu Hiền, (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế)  Phân tích nguyên nhân gây nên lỗi của sinh viên khoa tiếng Hàn khi sử dụng câu phức tiếng Hàn. ThS. Paik Soon Yeong “Nghiên cứu về phương án hướng dẫn viết luận trong quá trình giảng dạy môn Viết Tiếng Hàn”.

 

8

GS. Kang Sahie (Đại học Middlebury, Mỹ) đưa ra Đánh giá mức độ thông thạo ngữ pháp tiếng Hàn

 

9

GS. Lee Dong Eun (Đại học Kookmin, Hàn Quốc) đề cập đến Lý luận cơ sở về nghiên cứu phân tích hội thoại của người học tiếng Hàn.

 

10

ThS. Paik Soon Yeong “Nghiên cứu về phương án hướng dẫn viết luận trong quá trình giảng dạy môn Viết Tiếng Hàn”.

Các tác giả Lưu Tuấn Anh, Lê Thị Thu Giang (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), Phạm Thị Ngọc, Nghiêm Thị Thu Hương  (Trường ĐH Hà Nội), Hoàng Thị Yến – Phạm Thị Tuyết (Trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội) đi sâu nghiên cứu những vấn đề nổi bật của ngữ pháp tiếng Hàn như Phạm trù cách của tiếng Hàn (TS Lưu Tuấn Anh), Hoạt động của đuôi từ thể hiện sự kính trọng đối với chủ ngữ () trong tiếng Hàn hiện đại (Th.S Lê Thị Thu Giang),Kính ngữ tiếng Hàn trong giao tiếp tại công ty (Th.S Phạm Thị Ngọc,Thiết kế nghiên cứu đối chiếu hành động hỏi tiếng Hàn, tiếng Việt(TS Hoàng Thị Yến, Th.S Phạm Thị Tuyết), Xem xét đặc trưng cú pháp ngữ nghĩa của ngữ danh từ tiếng Hàn (TS. Nghiêm Thị Thu Hương). ThS. Bùi Thị Mỹ Linh (Trường ĐHKHXH&NV – Tp HCM) tìm hiểu phương pháp dạy ngữ pháp ứng dụng thông qua một dạng đề trong TOPIK. ThS. Nguyễn Phạm Thu Hương (ĐH Đà Lạt) bàn về tính cần thiết cũng như phương án giảng dạy tục ngữ Tiếng Hàn cho người học Việt Nam.

Bàn về Cách phiên âm Hangeul sang tiếng Việt trong dịch thuật là nội dung báo cáo của TS Lê Đăng Hoan (Hội NCKH về Hàn Quốc của VIệt Nam). TS Trần Thị Hường (Trường ĐHNN, ĐHQG Hà Nội) trình bày cụ thể về Đề án dạy – học tiếng Hàn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo tác giả, đó là một bước tiến mới trong giáo dục tiếng Hàn ở Việt Nam. PGS.TS. Trần Thị Thu Lương (Trung tâm Hàn Quốc học, Trường ĐHKHXH&NV Tp HCM) trình bày những thuận lợi và thách thức của việc đưa Tiếng Hàn vào trường phổ thông Việt Nam qua phân tích nhận thức của học sinh một số trường PTTH ở Tp HCM và Vũng Tàu. Và cuối cùng, nhưng rất thú vị, đó là bài nghiên cứu khá công phu của TS Nguyễn Thị Thắm với tiêu đề Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ Hàn tại Việt Nam (Nhìn từ bài tạp chí khoa học).Trong báo cáo của mình, TS Nguyễn Thị Thắm đánh giá cao vai trò của Tạp chí Hàn Quốc trong việc đăng tải những công trình khoa học của các nhà Hàn Quốc học Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra cả ngày 12/8, các quý vị lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các giảng viên sẽ chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình, trình bày kinh nghiệm cũng như những giải pháp phát triển đào tạo Tiếng Hàn và Hàn Quốc học trên thế giới và ở Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa đóng góp học thuật mà còn góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc.

11

 

 

Theo Hàn Quốc Học

http://hanquochoc.edu.vn/cps/tintuc/thongbao/2016/8/14286.aspx