BẮC NAM LIỀN MỘT DẢI TRONG GIẤC MƠ CỦA CÁC HOẠ SĨ “THOÁT BẮC”

BẮC NAM LIỀN MỘT DẢI TRONG GIẤC MƠ CỦA CÁC HOẠ SĨ “THOÁT BẮC”

  Kim Hak-soon, Nhà báo – Giáo sư thỉnh giảng khoa Truyền thông, Đại học Korea
  dịch Phạm Quỳnh Giang

 

Trong số gần 28 nghìn người bất chấp hiểm nguy trốn khỏi Bắc Hàn tìm đến Nam Hàn với hi vọng thoát cảnh nghèo đói hay vươn đến tự do cũng có không ít người là hoạ sĩ. Các tác phẩm của họ, những họa sĩ “thoát Bắc”1 vẫn in đậm dấu vết của mảnh đất mình thoát ly.

Ảnh.“Take off your clothes and Play” (Tạm dịch: Hãy thoát y mà chơi), Sun Mu, 2015, chất liệu sơn dầu, khổ 130x190cm.

  Nếm trải sự giằng xé tư tưởng giữa hai chế độ, hoạ sĩ trường phái nghệ thuật đại chúng (Pop art) Sun Mu đã đưa kinh nghiệm và cảm xúc của mình vào các bức hoạ. Ông sống ở Nam Hàn đến nay là năm thứ 14 nhưng vẫn chưa thấy quen. Biết bao lần ông “nhắm mắt thấy Bắc Hàn, mở mắt lại thấy Nam Hàn”.
Trong những tác phẩm của các hoạ sĩ tiêu biểu đến từ miền Bắc cũng có không ít bức tranh dễ gây hiểu nhầm là tuyên truyền cho Triều Tiên nếu chỉ lướt nhìn. Có lần hoạ sĩ Sun Mu (44 tuổi) còn bị mời về đồn để điều tra do sự hiểu nhầm ấy. Đó là lần tổ chức buổi triển lãm tranh đầu tiên tại một phòng trưng bày ở quận Jongno, Seoul năm 2007. Một viên cảnh sát đột ngột xuất hiện và nói, “Mời anh theo tôi về đồn”. Hoá ra người dân sống gần đấy và khách xem tranh đã đi báo cảnh sát về việc trưng bày “các bức tranh mang màu sắc tán tụng Bắc Hàn”. Lần tham gia triển lãm nghệ thuật quốc tế Busan Bienale 2008 ông cũng khốn đốn khi các tác phẩm của mình bị gỡ bỏ do bức chân dung chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).
Hoạ sĩ Song Byeok (46 tuổi) cũng có kinh nghiệm tương tự. Nhiều người cao tuổi sống gần phòng tranh của ông ở một khu mua sắm quận Gangnam, Seoul thấy treo chân dung Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) và Kim Jong-un (Kim Chính Ân) thì đi báo cảnh sát. Thế là người của Viện Tình báo Quốc gia đã tìm đến ông.
Họ, những họa sĩ gốc Bắc Hàn, vẫn đang sống với thân phận là đối tượng cần theo dõi như thế.

Chất chứa niềm mong mỏi thống nhất

   Sau khi rời Bắc Hàn năm 1998 và trải qua biết bao thăng trầm ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào và nhiều nước Đông Nam Á khác, cuối cùng hoạ sĩ Sun Mu cũng đến được Hàn Quốc vào năm 2002. Ông được gọi là “hoạ sĩ thoát Bắc số 1”. Nhưng ông lập kế hoạch đào thoát không phải do chán ghét chế độ. Thuở nhỏ ông hoạt động trong đội hướng đạo sinh. Ba năm học Đại học Mỹ thuật trở thành cái duyên để ông đảm trách mảng vẽ tranh cổ động trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc đào thoát khỏi Bắc cũng rất tình cờ. Trong lúc ông đang lăn lộn kiếm tiền ở Trung Quốc để cuộc sống bớt đói khổ thì cuộc bầu cử ở Bắc Hàn đến gần. Đây là cuộc bầu cử bắt buộc, tức mọi người dân phải tham gia, nếu không sẽ bị đưa vào trại cải tạo với tội danh tội phạm chính trị. Trong khi đó lại không có cách nào về được ngay tỉnh Hwanghae quê ông vì vùng này nằm rất xa biên giới Bắc Hàn – Trung Quốc. Thế là ông quyết định trốn hẳn. Một phần cũng do ông bị lung lạc trước hình ảnh về cuộc sống ở Hàn Quốc mà ông bắt gặp khi ở Trung Quốc.
Đến Seoul, ông vào học khoa Mỹ thuật Trường Đại học Hongik, xong học tiếp lên cao học rồi ra làm hoạ sĩ chuyên nghiệp. Với tấm lòng mong mỏi ranh giới hai miền bị xoá bỏ, ông lấy nghệ danh là Sun Mu (Vô Tuyến) với hàm ý “không ranh giới”. Do lo sợ cha mẹ và anh em ở Bắc Hàn bị liên lụy, ông không dám công khai diện mạo và danh tính thật của mình. Mũ và kính râm được ông xem là vật bất ly thân mọi lúc, mọi nơi.

Ảnh. “Chân dung tự họa”, Sun Mu, 2009, chất liệu tranh sơn dầu, khổ 100x40cm. Dòng chữ nguệch ngoạc trên bức vẽ có nội dung “Đã gần 10 năm xa mi rồi. Đến bao giờ mi mới mở cửa.”/Ảnh. “In the Square” (Tạm dịch: Trong hình vuông), Sun Mu, 2015, chất liệu tranh sơn dầu, khổ 160x130cm.

   Đặc điểm chung nhất trong các tác phẩm của hoạ sĩ Sun Mu là trào phúng chế độ xã hội chủ nghĩa của Bắc Hàn. Ông phê phán chế độ bằng phép châm biếm. Tiêu biểu có tác phẩm “Kim Jong-il mang giày Adidas”, “Chúa Giê-su của Triều Tiên”.
Dường như toàn bộ mối quan tâm của thế giới đối với tác phẩm của ông cũng xoay quanh cách ông châm biếm và mỉa mai Bắc Hàn. Đến nay ông đã tổ chức triển lãm tranh cá nhân hai lần ở New York (Mỹ), hai lần ở Berlin (Đức), hai lần ở Jerusalem (Israel), một lần ở Oslo (Na-uy), một lần ở Melbourne (Úc). Năm 2016, ông dự định tổ chức triển lãm nhóm ở Pháp. Truyền thông phương Tây đặt cho ông biệt danh là “hoạ sĩ vô diện” (hoạ sĩ không mặt).
Kinh nghiệm thất bại trong triển lãm cá nhân ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2014 càng khiến ông bất an và đau đớn trước sự đối đầu giữa hai miền. Ngày đầu tiên của đợt triển lãm, công an Trung Quốc phong toả lối ra vào phòng trưng bày nên lễ khai mạc đã không thể diễn ra. Các bandroll cỡ lớn và toàn bộ tác phẩm trưng bày bị tịch thu. Số tranh bị thu giữ ấy cho đến nay vẫn nằm ở Bắc Kinh. Theo kế hoạch, triển lãm trưng bày những tác phẩm thể hiện khao khát thống nhất với chủ đề là màu sắc quốc kì của 6 nước trong vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân, như màu đỏ, trắng, xanh dương.
Lúc bấy giờ ông cứ thấp thỏm lo bị trục xuất về Bắc Hàn. “Tôi sợ lỡ mình bị bắt, bỏ lại vợ và hai con gái bơ vơ”. Hiện ông đang sống hạnh phúc cùng vợ là người Hoa gốc Hàn mà ông gặp lần đầu ở Trung Quốc.

Phim tài liệu “Tôi là Sun Mu”

   Gần đây, tranh của hoạ sĩ Sun Mu có nhiều bức đồng loạt xuất hiện hình ảnh cảnh vật và con người của cả hai miền Nam Bắc. Tất cả đều chứa đựng lòng mong mỏi khôn nguôi của ông về một bán đảo hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Các tác phẩm của ông nhìn thẳng vào hiện thực của Bắc Hàn và đặc thù của sự chia cắt. Chúng đậm nét nghệ thuật đại chúng (Pop art), châm biếm phong cách tuyên truyền kiểu chủ nghĩa xã hội nhưng loại bỏ tối đa màu sắc chính trị và đảm bảo tính nghệ thuật. Bởi ông không muốn trở thành vật hi sinh cho một hệ tư tưởng khác khi đã từng thấm đẫm đến tận tim gan nỗi đau bị làm công cụ cho một hệ tư tưởng.
Để hiểu được tranh của Sun Mu cần một cách tiếp cận không phải từ hướng chủ nghĩa tư bản. Bởi kinh nghiệm và cảm xúc ông đưa vào các bức hoạ là kết quả của việc nếm trải cơn giằng xé tư tưởng giữa hai chế độ. Ông sống ở Hàn Quốc đến nay là năm thứ 14 nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn thích nghi. Biết bao lần ông “nhắm mắt thấy Bắc Hàn, mở mắt lại thấy Nam Hàn”.
Bộ phim tài liệu “Tôi là Sun Mu” (tiêu đề tiếng Anh là I am Sun Mu) được chọn làm phim khai mạc trong liên hoan phim Tài liệu quốc tế DMZ lần thứ 7 diễn ra vào tháng 9 năm 2015 đã vẽ lại toàn cảnh cuộc đời hoạ sĩ Sun Mu. Bộ phim dài 87 phút của đạo diễn người Mỹ Adam Sjöberg (30 tuổi) tái hiện lại cuộc đời và thế giới tranh của ông.
Giấc mơ của người thuộc đối tượng bị theo dõi như ông luôn hướng về một thế giới rộng mở. Ông nói, “Khi đến New York, tôi mới cảm nhận rõ rằng thế giới này không chỉ có Nam-Bắc Hàn mà còn có các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, Trung Nam Mỹ, châu Âu. Tôi muốn vẽ tranh về cuộc sống của những con người ấy”. Cũng như nghệ danh của mình, triết lý nghệ thuật của hoạ sĩ Sun Mu cũng thấm nhuần tư tưởng “không ranh giới”.

Tác phẩm “Hãy cởi ra” với lời kêu gọi mở cửa Bắc Hàn

  Song Byeok cũng là hoạ sĩ trường phái nghệ thuật đại chúng. Giống như tranh Sun Mu, tranh của ông cũng phê phán và châm biếm chế độ của Bắc Hàn. Trùng hợp thay, quê hương của ông cũng là tỉnh Hwanghae như Sun Mu. Ông cũng dùng nghệ danh chứ không dùng tên thật. Nhưng khác với Sun Mu, ông hoạt động sáng tác một cách công khai chứ không giấu mặt. Ông giải thích về các bức vẽ của mình rằng: “Tôi vẽ tranh vui nhộn theo lối nghệ thuật đại chúng, nhưng lại theo những chủ đề mang tính triết lý với cách thể hiện hài hước.”

Ảnh. Song Byeok làm việc trong xưởng vẽ của ông.

  Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Song Byeok là bức tranh châm biếm Kim Jong-il bưng bít xã hội Bắc Hàn với gương mặt gắn lên cơ thể của nàng Marilyn Monroe, nhại cảnh cô nàng đang giữ chân váy bay phập phồng trước hơi gió thổi lên từ ống thông trong ga tàu điện ngầm, một cảnh kinh điển trong phim “Bảy năm ngứa ngáy” (The Seven Year Itch). Tiêu đề của bức tranh là “Hãy cởi ra” với thông điệp kêu gọi Bắc Hàn mở cửa.
Trong tranh ông cũng thường xuất hiện chim bồ câu và bươm bướm. “Trong một góc tâm hồn nhân dân Bắc Hàn luôn mơ về tự do. Vì vậy bồ câu và bươm bướm thường được đưa vào tranh.”
Động cơ trốn khỏi Bắc Hàn của Song Byeok sau bảy năm làm nghề vẽ áp phích tuyên truyền có thể nói là để thoát khỏi cái đói, chứ không phải để tìm tự do. Lần đào thoát đầu tiên vào tháng 8 năm 2000 bị thất bại. Người cha cùng bỏ trốn với ông khi ấy bị cuốn trôi vào dòng nước xiết của sông Đồ Môn (Tumen) sau một đợt mưa dầm dề, còn bản thân ông thì bị đội quân cảnh vệ bắt giữ. Ông bị bắt lao động trong trại cải tạo một thời gian, và bị mất một ngón tay trỏ bên phải, ngón tay quý như sinh mệnh với người hoạ sĩ. Sau khi được thả, năm 2001 ông lại tìm cách trốn theo đường biên giới Trung Quốc, đến năm 2002 thì vào được Hàn Quốc. Năm 2005, ông nhận được hung tin mẹ mất. Hai năm sau, ông thành công trong việc đưa cô em gái út của mình trốn khỏi Bắc Hàn.
Sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ thuật Đại học Sư phạm Gongju năm 2007, ông học tiếp cao học chuyên ngành Hội hoạ phương Đông tại Đại học Hongik. Trong suốt thời gian đó, ông lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống, thậm chí làm việc cho cả một trung tâm cung cấp dịch vụ chuyển nhà.
Sau triển lãm cá nhân đầu tiên tổ chức năm 2011 ở phố Insa-dong, Seoul với chủ đề “Một đời chạy trốn –Một đời tự do”, cho đến nay ông đã tổ chức thêm ba triển lãm nữa ở Mỹ tại các thành phố Washington, Atlanta. Triển lãm ở Washington năm 2012 thành công rực rỡ với sự có mặt của nhiều nhân vật cấp cao như Robert King – đặc phái viên về nhân quyền Bắc Hàn, Kathleen Stephens – nguyên đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Các hãng thông tấn lớn ở nước ngoài như CNN, BBC, NHK cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với sự kiện. Nổi lên nhờ báo chí truyền thông, ông đi giảng dạy nhiều nơi theo lời mời của các trường đại học ở Mỹ.
Hoạ sĩ Song tổ chức triển lãm tranh Frankfurt với nhiều tác phẩm bao gồm “Kim Jong-un và Marilyn Monroe” trong khuôn khổ sự kiện chúc mừng 25 năm thống nhất nước Đức tháng 10 năm 2015. Ông cũng lên kế hoạch mở triển lãm tại một địa điểm gần ranh giới Đông Đức – Tây Đức cũ vào tháng 9 năm 2016 này.
Đã có thời ông thấy sốc khi mới tiếp xúc với nền mỹ thuật của Hàn Quốc. Xem tranh trừu tượng ông từng nghĩ “cái này cũng được gọi là tranh sao?” hay “tranh kì quặc vậy sao lại đắt thế nhỉ?”.

  Hoạ sĩ Song không muốn dừng lại ở mảng vẽ tranh về Bắc Hàn. Ông muốn trở thành một hoạ sĩ nuôi lớn giấc mơ và ươm mầm hi vọng về nền hoà bình không chỉ cho nhân dân Bắc Hàn mà cho công dân toàn cầu, những người đang chịu áp bức và đói khổ. Trước bàn làm việc trong phòng vẽ của ông đập vào mắt một dòng chữ “Đừng lệ thuộc vào hiện thực mà hãy quả cảm hướng ra thế giới, Đừng dừng lại mà hãy bền bỉ và kiên định bước đi trên con đường mình đã chọn”. Với cuộc sống độc thân, ông mải mê vẽ tranh đến mức nhiều khi quên cả bữa.

Ảnh. “Dreaming of Freedom” (Tạm dịch: Mơ về tự do), Song Byeok, 2013, chất liệu màu acrylic trên giấy gạo dày, khổ 82x110cm.

Cuộc triển lãm lần đầu cũng là lần cuối

   Kang Jin-myung, hoạ sĩ cao tuổi nhất trong số các hoạ sĩ đến từ Bắc Hàn, phải rơi lệ trước sự kém may mắn về đường sức khoẻ của mình. Ông trốn khỏi Bắc Hàn năm 1999 và đến được Hàn Quốc sau 10 năm nhưng trong tình trạng bệnh khá nặng. Ông cũng đang làm nghề vẽ tranh tuyên truyền ở Bắc Hàn thì bỏ trốn qua Thanh Đảo , Trung Quốc. Ông giả làm người Chosun (Korean-Chinese) để xin làm trong một nhà máy sản xuất phụ kiện nữ trang do người Hàn làm chủ. Ở Bắc Hàn, ông từng là một hoạ sĩ có tiếng với tấm bằng Đại học Mỹ thuật ở Bình Nhưỡng và đang hoạt động sáng tác trong Bộ Lực lượng vũ trang Nhân dân, đồng thời giảng dạy trong một trường đại học.
Ông mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên ở phố Insa-dong Seoul vào tháng 2 năm 2010 với khoảng 70 bức vẽ phong cảnh thiên nhiên của Nam-Bắc Hàn, nhưng chỉ một tháng sau ông lìa trần bởi căn bệnh ung thư gan. Lúc ấy ông chỉ mới 57 tuổi. Dù đang phải điều trị xạ trị nhưng ông vẫn miệt mài ngày đêm chuẩn bị các tác phẩm cho triển lãm. Ông bày tỏ trong nuối tiếc, “Tôi muốn dốc hết sức lực, toàn tâm toàn ý sáng tác cho đến ngày thống nhất, nhưng tấm thân này không chịu nghe lời.”
Lúc sinh thời ông từng thổ lộ, “Những năm 1970-80 khi tôi mới bắt đầu hoạt động sáng tác thì kinh tế Bắc Hàn vẫn khá ổn. Các đãi ngộ cũng nhiều nên cuộc sống không gặp khó khăn gì. Nhưng tôi không có tự do. Việc hoàn toàn không được bảo đảm tự do sáng tác đối với người làm nghệ thuật là một nỗi thống khổ.”
Chủ đề cuộc triển lãm lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của ông là “Đi tìm tự do hằng mơ ước”. Bức tranh sơn dầu “Sóng tự do” bộc lộ rõ khát vọng tự do của ông lớn đến nhường nào.

  Do sợ bị Bắc Hàn trả thù ông phải dùng tên giả là Kang Ho thay cho tên thật. Ở Hàn Quốc, ông chủ yếu vẽ tranh sơn thủy lấy chủ đề là các ngọn núi nổi tiếng của hai miền Nam Bắc. Trong ông luôn thôi thúc một niềm khao khát về một đất nước không còn ranh giới giữa hai miền. “Tôi cho rằng lĩnh vực vượt qua mọi tư tưởng và lý lẽ để Bắc Nam liền một giải chính là văn hoá nghệ thuật. Có lẽ nếu hai miền dùng nghệ thuật để tìm tiếng nói chung thì ngày hoà bình thống nhất có thể được kéo lại gần hơn”.

 

Nguồn: Tạp chí Koreana – Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc, số Mùa Xuân 2016(vol 3, no.1) phiên bản tiếng Việt
http://vi.kf.or.kr/?menuno=2833&act=view&bbsno=133&skin=notice_vi_img