NANTA SHOW VÀ À Ố SHOW

NANTA SHOW VÀ À Ố SHOW

Diễm Trang, Khoa Văn học-Ngôn ngữ (HCM-USSH)

 Một tour du lịch nước ngoài hoàn hảo sẽ không bao giờ thiếu tiết mục thưởng thức show (tạm hiểu là chương trình/ tiết mục biểu diễn giải trí thời lượng ngắn). Những show diễn cỡ một giờ là vừa đủ “hồi phục” đôi chân và tinh thần du khách trong một lịch trình nhiều hoạt động.
Nổi tiếng là thiên đường giải trí vui chơi, châu Á có rất nhiều hình thức show nghiêng về tính kĩ xảo, giải trí. Ở các show này, kịch bản mang tính tích hợp các câu chuyện văn hóa, các bài hát quen thuộc, thường đến từ Âu Mỹ hoặc trộn lẫn thêm phong vị Á Đông để “lấy lòng” du khách khắp nơi. Địa điểm biểu diễn có thể là công viên, nhà hát quy mô nhỏ, các khu nghỉ dưỡng giải trí phức hợp. Vài ví dụ tiêu biểu về hình thức show thuộc loại này là Quyến rũ Đông Phương, Long Phụng Vũ Trung Hoa (Trung Quốc); Lion King, Mickey (Hongkong); Alcazar, James Bond (Thái Lan);A’Famosa Carnival (Malaysia), nhạc nước (Singapore, Việt Nam…). Sự vui nhộn, đa sắc màu và mang nặng tính diễn trò như ca hát, múa, xiếc, ảo thuật, nhào lộn, diễu hành, biểu diễn thời trang… khiến các show này dễ thu hút mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em.
Bên cạnh đó, một loại hình show khác cũng rất thu hút khách du lịch là show văn hóa lịch sử. Loại show này đòi hỏi trình độ thưởng thức cao hơn và giá vé thường không rẻ. Có thể nói không ngoa rằng những show như thế này là cầu nối du khách với văn hóa lịch sử bản địa vô cùng hiệu quả, hấp dẫn, nhanh chóng và nhẹ nhàng. Dù vẫn chú trọng tính giải trí nhưng tham vọng của ê kíp thực hiện show, ngoài mục tiêu thương mại, là quảng bá văn hóa lịch sử dân tộc, tạo điểm nhấn khó quên trong lòng du khách tham quan. Tống Thành (Trung Quốc), Nụ cười Angkor(Campuchia), Alangkarn (Thái Lan), Nanta (Hàn Quốc), À Ố (Việt Nam)… thật sự là những show văn hóa lịch sử gây tiếng vang trên thế giới, để lại trong lòng khán giả thiện cảm đẹp đẽ và cảm xúc ngập tràn.

Ảnh. Một cảnh trong Nanta show. (Koreana)

  Chúng ta sẽ nói về Nanta À Ố, hai show diễn ấn tượng của khu vực văn hóa Đông Á. Kịch bản của chúng lạ hơn nếu so với những câu chuyện quá quen thuộc như Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Thanh Xà Bạch Xà trong show Tống Thành. Có thể nói, bất kì khán giả nào có dịp xem hai show diễn này đều không giấu diếm sự thích thú, ngạc nhiên, thậm chí mong muốn được xem thêm nhiều lần nữa.

Ảnh. Một cảnh trong À Ố show (Trang chủ À Ố show).

  Ra đời từ năm 1997, Nanta lập tức gây tiếng vang từ show diễn đầu tiên. Lần đầu tiên, có một sân khấu chọn bếp núc làm không gian biểu diễn xuyên suốt, đạo cụ lẫn nhạc cụ đều là những dụng cụ làm bếp. À Ố ra đời muộn hơn, vào năm 2013, nhưng cũng khiến khán giả phải “à” và “ố” – tức bày tỏ biểu cảm thán phục, bất ngờ không ngớt. Cả hai show diễn không chỉ thành công ở quê nhà mà còn được mời lưu diễn ở nhiều quốc gia tại các châu lục khác nhau. Tại sao hai show này lại thành công đến vậy?
Trước hết, hãy nắm bắt “công thức” của hai show diễn. Tiêu chí dễ nhận thấy của NantaÀ Ố là kịch bản phải bảo đảm được tính dân tộc lẫn tính toàn cầu, vừa phản ánh được văn hóa vùng vừa không quá xa lạ với văn hóa nền của người thưởng thức, tức “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” (Think globally, act locally). Để đạt được điều đó, đội ngũ biên kịch hẳn phải vô cùng cân nhắc (và cũng không loại trừ việc tìm đến các chuyên gia hàng đầu để xin tư vấn) trong việc phân định đâu là yếu tố văn hóa ngoại vi, đâu là yếu tố văn hóa trung tâm, từ đó đi đến chọn lựa câu chuyện, nhân vật, hình tượng, âm nhạc, trang phục… sao cho thật thuyết phục, mang tính biểu trưng cao, đủ để đại diện cho bản sắc dân tộc và có tính hội nhập. Nhưng tất cả phải gần gũi chứ không được phép quá cao siêu và nhất là phải chặt chẽ vì chỉ được trình bày trong một lượng độ thời gian nhất định. Lời thoại không được quan tâm trong một show dành cho công dân toàn cầu mà biểu diễn hình thể, năng lực liên kết các phân đoạn và âm thanh mới là trọng yếu. Thế nên, các kỹ năng trình diễn sẽ được chú trọng tối đa, bao gồm xiếc, nhảy múa, kịch câm, tiểu xảo. Phông nền sân khấu càng giản lược càng tốt, để diễn viên thuận tiện di chuyển và tung hứng. Yếu tố động phải được phát huy tối đa, tránh để sân khấu chết; nhưng nếu cần thiết thì vẫn tạo những khoảng lặng nhất định để cảm xúc ngấm vào khán giả.
Có thể nói, NantaÀ Ố đã thực sự đáp ứng được tất cả những yêu cầu nghiêm ngặt nói trên, dù cách triển khai của hai show có nhiều điểm khác nhau.
Câu chuyện của Nanta – đúng với tên gọi của show – là câu chuyện trong một gian bếp cụ thể, với những nhân vật cụ thể gồm ba đầu bếp, người học việc và người quản lý khó tính. Một “màn giáo đầu” – cầu nguyện trước khi nấu nướng – trong ánh sáng huyền hoặc của nến với phục sức cổ điển và động tác cung kính khiến khán giả nhận ra bếp núc đâu chỉ là công việc hằng ngày mà nó chính là một nghi thức trang trọng. Bất giác, họ như được ngược về với hàng trăm ngàn năm trước, khi con người phát hiện ra lửa và chính thức đưa mình lên một tầm vóc văn minh mới rồi trở về thực tại, nhận ra sự thiêng liêng của gian bếp thân thuộc nhà mình. Cái cách mà người Hàn Quốc nghiêm túc và nhẫn nại quảng bá văn hóa truyền thống (đã rất thành công qua văn chương, điện ảnh, âm nhạc) và cả cách truyền thụ cảm hứng tiếp nhận được phát huy tối đa trong show diễn.
Tiếp theo đó là những tình huống hài hước, oái oăm lẫn lãng mạn trong gian bếp. Mỗi nhân vật mặc sức thể hiện sở trường sở đoản một cách… vô cùng ý thức, bằng vũ đạo, bằng diễn trò, bằng những thao tác nấu bếp chuyên nghiệp, chính xác để chuẩn bị bữa tiệc cưới theo yêu cầu của quản lý. Những đòi hỏi khó khăn, cầu kỳ của người này như một thứ gia vị làm câu chuyện thêm súc tích, nén chặt, tiết tấu mỗi lúc một dồn dập. Sự hòa trộn giữa phong cáchsamul nori (loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc nhằm cầu phúc cho mùa màng, bao gồm phèngkkwaenggwari, cồng jing, trống janggu và trống buk) cổ xưa với K-pop và cả hài hình thể phương Tây trở nên vô cùng thích hợp cho vở diễn, dẫn dắt khán giả đi từ truyền thống sang hiện đại và cuối cùng khiến họ không thể ngồi yên được nữa. Nghệ sĩ lẫn khán giả hòa vào nhau trong thứ âm thanh giòn giã, hứng khởi của xoong, nồi, chảo, dao, thớt, vá, xẻng, ly, muỗng – lúc này đã thật sự hóa thân trọn vẹn thành nhạc cụ, thành linh hồn của buổi biểu diễn. Mùi thơm của thực phẩm đong đưa hòa cùng cơn mưa bóng nhựa từ sân khấu đổ tràn xuống khán phòng như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly vốn đã căng đầy phấn khích của người xem. Buổi biểu diễn 100 phút kết thúc trong rộn rã mãn nguyện. Phải chăng cuộc đời cũng tựa như gian bếp Nanta – là thứ bậc, là ồn ã say mê, là đủ đầy gia vị hỉ nộ ái ố nhưng vẫn nên hòa hợp, tươi vui, thăng hoa và ấm áp?
Khác với cốt kịch tinh gọn của Nanta, À Ố không có một câu chuyện cụ thể mà cấu tứ theo mạch dịch chuyển của không gian và thời gian văn hóa: làng trong phố, phố trong làng. Những hình tượng trong À Ố không nhất thiết phải biểu trưng cho vùng miền nào của Việt Nam mà nó là tất thảy các vùng miền. Cầu khỉ của Nam Bộ, áo yếm và trống cơm của Bắc Bộ, thúng mủng của Trung Bộ… quyện vào nhau nhịp nhàng và hợp lý, dẫn dắt khán giả vào không gian êm ả, say say của làng cảnh Việt Nam. Tre đóng vai trò chủ đạo trong mọi không gian. Thanh tre dài có thể được hiểu là cầu, là võng, là cau, là nêu, là mái chèo…; thúng tre là thuyền, là trống, là nhà, là lưng rùa lưng ếch, là mình ngỗng…; mẹt tre nhỏ là nón đội đầu, là quạt, là hoa… ở làng. Để rồi khi chuyển sang phố, vẫn những đạo cụ bằng tre đó tạo nên nhà cao, quán xá, xe buýt, con đường, thậm chí là dụng cụ thể dục thể hình. Nhưng có một hình tượng vẫn xuyên suốt từ làng ra phố: vầng trăng được biểu thị bằng chiếc mẹt tre treo trên cao. Trăng muôn đời âm thầm làm chứng nhân cho những cuộc đổi dời. Trăng là triết lý về sự lãng quên tự nhiên khi con người hăm hở mải mê trong guồng máy công nghệ. Trăng hồn hậu nắm níu sợi dây tương thông giữa làng và phố dù con người ra sức tách bạch hai không gian đó… Hóa ra, tre đâu chỉ đại diện cho các sự vật đơn sơ mà còn vô cùng đắc dụng trong trường chuyển nghĩa, đủ sức liên tưởng đến quốc hồn dân tộc.

Ảnh. Một cảnh trong À Ố show (Trang chủ À Ố show).

  Rất nhiều thông điệp được chuyển tải tự nhiên và sâu lắng như thế trong suốt 60 phút À Ố. Cả hai tông màu chủ đạo của show là đen và vàng – vừa chơn chất, mộc mạc vừa tinh túy, sang trọng – cũng đầy ẩn dụ: màu đất đai, màu áo vải, màu tre nứa, màu thôn dã, màu thị thành, màu ngày – đêm, màu của ý tượng “rừng vàng biển bạc”… À Ố có xiếc và xiếc đẹp nhưng cốt lõi của show không phải là xiếc. Các yếu tố khác như kịch hình thể, múa đương đại, âm nhạc truyền thống (nhạc cụ: đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc, trống; làn điệu: hò, lý, vọng cổ…) tạo thành một tổng thể hài hòa và nhiều sức gợi, vừa vặn và đủ duyên.
Với những phong cách khác nhau đó, À Ố Nanta đều chinh phục khán giả bằng nét tài hoa, tính dân tộc và sự hiện đại. Hai show diễn thực sự là những loại rượu ngon của nghệ thuật, có tác dụng thức nhọn ngũ quan của người xem. Ngoài giá trị giải trí, chúng còn giãi bày nhiều điều về những hình thái và thể chế xã hội, thể hiện nỗi khao khát giải phóng tinh thần con người khỏi các sức ép thường nhật và điều quan trọng là đọng lại những mỹ cảm nhất định. Những show diễn như Nanta À Ố, dù bé nhỏ trong mặt bằng nghệ thuật, là minh chứng hùng hồn, sống động cho lý tưởng: sự kết hợp truyền thống và đương đại theo những phương thức đúng đắn, sáng tạo sẽ mang đến những hiệu quả nghệ thuật đột phá và ngọt ngào.

 (nguồn: http://vi.kf.or.kr/?menuno=2833&act=view&bbsno=126&skin=notice_vi_img)