Du lịch Biển đảo Hàn Quốc
Võ Thị Ái Phụng
Khoa Quản Trị Khách sạn và Du lịch, Đại học Dongguk
Cái nhìn tổng quát về biển đảo Hàn Quốc
Trong các nước Châu Á, Việt Nam và Hàn Quốc là hai đất nước có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người, và cả đến điều kiện tự nhiên. Cả hai chẳng những đều là đất nước bán đảo mà còn sở hữu số lượng đảo nhiều tương đương nhau. Việt Nam có đường biển phía Đông chạy dài từ Bắc xuống Nam nên hầu hết các đảo và quần đảo nằm ở phía đông và nam. Còn Hàn Quốc thì hầu hết tập trung ở phía tây, tây nam và đông nam của lãnh thổ.
Theo thống kê của Bộ Lãnh thổ và Hải dương Hàn Quốc vào năm 2010, cả nước có khoảng 3.358 hòn đảo; trong đó, số lượng đảo không có người sống khoảng 2.876 hòn đảo, chiếm đến 85,65% tổng số đảo. Trong số khoảng 482 hòn đảo còn lại, có năm hòn đảo lớn và nổi tiếng là: đảo Jeju, đảo Geoje, đảo Jindo, đảo Ganghwa và đảo Namhae.
Du lịch biển đảo Hàn quốc đối với du khách Việt nam
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, du khách Việt Nam biết đến và tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc một phần do tác động mạnh mẽ của Làn sóng Hàn. Và làn sóng này vẫn còn đang vỗ tương đối đều không chỉ trong Việt Nam nói riêng mà ở rất nhiều đất nước trên khắp năm châu. Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của làn sóng này, nó “vỗ” vào nhiều đối tượng thông qua phim truyền hình, phim điện ảnh và âm nhạc. Phải thừa nhận rằng ngành điện ảnh Hàn Quốc đã đi đến một thành công mà ít quốc gia có thể thực hiện được, đó là việc xuất khẩu văn hóa thông qua phim điện ảnh và truyền hình. Hầu hết du khách nước ngoài nói chung, du khách Việt Nam nói riêng, khi đến với đất nước Hàn Quốc không cảm thấy lạ lẫm và hồi hộp mà đa số cảm thấy rất quen thuộc với những gì họ đã thấy trên phim ảnh mỗi ngày. Lần đầu họ đến Hàn Quốc như đi tìm hiểu thực tế có đúng với những gì đã xem trong phim ảnh hay không, và những chuyến đi sau là để tìm hiểu sâu thêm những nơi khác tùy theo sở thích và đam mê của riêng mình.
Nhắc đến biển đảo Hàn Quốc, đầu tiên, đa số người nước ngoài đều biết đến đảo Jeju (hay còn gọi là Jejudo), hòn đảo lớn nhất và nổi tiếng nhất. Hiện tại, trong sản phẩm du lịch Hàn Quốc ở Việt Nam, hầu hết đều có chương trình tham quan biển đảo Jeju. Hòn đảo này rộng đến 1.864 km2, là phim trường của rất nhiều bộ phim tình cảm lãng mạn như All in, Stormy lovers, Feast of the gods, Indomitable Daughters-in-law, Warm and Cozy, Boys over flowers, Prince hour, My name is Kim Sam Soon, Goddess of Marriage, Cheese in the trap… và các phim sử thi cổ trang như Nàng Dae Jang Keum, The Legend, Gu Family book… Cả phim điện ảnh Mỹ như My mother the Mermaid cũng được đóng ở các địa danh nổi tiếng ở Jeju như: Udo, Lump Sugar, Architecture 101… Ngoài ra, còn bốn đảo lớn đã đề cập ở trên và những đảo nhỏ khác, hầu hết khách nước ngoài chưa quan tâm đến nhiều mặc dù những đảo này khá nổi tiếng cho du khách nội địa và cũng từng là phim trường cho nhiều bộ phim.
Xu hướng chung khi tìm về đảo
Nếu bạn đã từng du lịch dài ngày hay sinh sống tại Hàn Quốc, tâm lý chung là bạn không cảm thấy đất nước này nhàm chán chút nào. Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, rồi hạ, rồi thu và lại đông, bốn mùa cứ xoay tròn quanh năm một cách thản nhiên nhưng con người thì luôn tất bật để thích ứng với sự thay đổi của thiên nhiên và cuộc sống hằng ngày. Một đất nước Hàn Quốc năng động luôn phát triển không ngừng ngày qua ngày khiến cho đời sống của người dân ngày ngày đầu tắt mặt tối với công việc, thậm chí không đủ thời gian ngủ cơ bản theo tiêu chuẩn thế giới. Có thể chính vì vậy, khi đến các kỳ nghỉ lễ của cả nước (Tết, Trung thu…) có thể thấy họ rời khỏi thành phố, tìm về vùng nông thôn, vùng biển đảo – nơi có thể hít thở bầu không khí trong lành quý hiếm khó tìm thấy ở các đô thị hiện đại. Đảo là một không gian nơi con người có thể tìm thấy những khoảnh khoắc họ muốn tìm lại, nhìn thấy đường chân trời từ không gian riêng tư không bị ảnh hưởng, cảm nhận được chính bản thân mình, khắc phục được những khó khăn của cuộc sống giống như nhảy bước qua những làn sóng vỗ về.
Gần được 14 năm nếu tính theo năm mặt trời, bản thân người viết là một người Việt Nam đang sinh sống tại Seoul, cũng tất bật với công việc và sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống đô thị. Nhiều bạn bè vẫn đặt câu hỏi, “Vẫn chưa chán Hàn à?”. Nói không chán cũng không đúng, đôi khi tôi cũng căng thẳng đến độ khép lại toàn bộ công việc và rời khỏi Hàn Quốc, nhiều khi đi đến tầm ba, bốn tháng sang nước láng giềng kế bên, Nhật Bản, hay đi xa hơn với một đất nước cũng tương đối nổi tiếng về đảo, Phillipines, hay bay xa hơn đến với Santorini và các nước khác. Tuy nhiên, đi đâu rồi tôi cũng quay về đất nước này. Ngoài những rặng núi trải dài, những thung lũng mênh mông, và các dòng sông, dòng suối mát lạnh chảy êm ả thanh bình, tôi vẫn luôn tìm cơ hội khám phá các hòn đảo khác ở đây. Khái niệm đi du lịch của tôi rất đơn giản và đôi khi cũng không cần phải có người đi cùng thì mới đi. Ông bà ta có câu, “Trước lạ, sau quen”, “Nhập gia tùy tục”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đây là hành trang khi tôi đi du lịch bất kỳ đâu và đặc biệt là trên đất nước Hàn nói chung, cụ thể là đi về các vùng quê và biển đảo của họ vì sự tương đồng về văn hóa.
Các đảo khác của Hàn Quốc bạn nên một lần trải nghiệm
Geoje là một thành phố đảo lớn nằm ở phía dưới Busan, vừa là thành phố công nghiệp nặng với các tập đoàn đóng tàu lớn của Hàn quốc như Samsung và Daewoo, nhưng cũng vừa là nơi nghỉ ngơi lý tưởng có không khí trong lành với rất nhiều ngọn núi được bao quanh trong màu xanh của biển Đông (Donghae) đầy mê lực. Là thành phố công nghiệp đóng tàu nên nếu bạn đến trung tâm của đảo, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người nước ngoài như bạn. Họ đến Geoje để làm việc, nghiên cứu, sinh sống theo gia đình… Có thể ban đầu bạn sẽ thấy thành phố này cũng như Busan hay các thành phố công nghiệp khác, không có gì thú vị. Nhưng nếu bạn chịu khó rời khỏi trung tâm chừng 30 phút đi xe ra ngoại ô của đảo, bạn sẽ thấy một khung cảnh khác hẳn, đầy núi đồi xanh ngắt. Mỗi khi xe chạy từ núi này sang núi khác, con đường sẽ làm cho bạn thấy thích thú, đủ độ ngoằn nghoèo của những đoạn đường núi vòng qua rồi xoắn lại, với những vòng cua gấp rất hứng thú cho những tay lái lụa. Một bên là núi và đồi và những ngôi nhà nghỉ dạng pension được qui hoạch và xây dựng sạch đẹp, đơn giản với khiến trúc phương Tây. Hầu hết những pension này đều có tầm nhìn ra biển. Nếu bạn đã biết đến màu xanh đại dương tuyệt vời của biển Địa Trung Hải với đảo Santorini hay đảo Zakynthos, bạn sẽ thích thú khi thấy lại màu xanh tương tự đó ở biển đảo Geoje.
Ở đây, bạn có thể đến Ngọn đồi gió. Nơi đây bạn sẽ chiêm ngưỡng màu xanh của biển kết hợp với vẻ đẹp giản dị của chiếc cối xay gió được đặt ngay trên đỉnh đồi. Tham quan xong, bạn hãy ghé vào quầy hàng của bất kỳ bà lão nào đang ngồi dọc đường đi mời bạn hãy dùng thử con ốc màu xanh xanh hình dạng giống móng chân của con rùa. Đấy chính là một trong những đặc sản của đảo, ốc móng rùa. Nó có hình dáng lạ nhưng khi ăn vào bạn sẽ thấy ngon, không cần phải ăn nóng gì cả. Hương vị độc đáo đảm bảo không trùng lặp với bất cứ loại ốc nào mà bạn đã từng ăn.
Tips: Khi bạn ăn tại chỗ, rất thú vị và rẻ hơn khi đi quán hay lên đến Seoul.
Rời khỏi vùng biển phía Đông Nam, dịch chuyển sang phía Tây Nam, bạn sẽ thấy có quần đảo Wando, Jindo, và Sinan. Từ đất liền, bạn có thể đến với Wando bằng đường bộ và từ đây, bạn có thể di chuyển bằng phà để đi đến các đảo lân cận tham quan Công viên Quốc gia Dadohae, vãn cảnh chùa hay chỉ để nghỉ dưỡng. Khu vực quần đảo Wando rất nổi tiếng về việc nuôi trồng hải sản, và cụ thể là nuôi trông bào ngư. May mắn tôi đi với các chị bạn người Hàn và một chị có người dì ở đảo Daemodo, cách Wando khoảng một giờ đi phà. Điểm chung của khu vực quần đảo này là nuôi trồng bào ngư, điểm riêng của từng đảo là qui mô, thắng cảnh và mật độ dân số của đảo. So với các đảo lân cận, đảo Daemodo có qui mô nhỏ, dân số chừng 230 người, trường học chỉ có một đến hai học sinh. Tôi đã ở đây khoảng một tuần để nghỉ dưỡng trước khi bắt đầu học đại học ở trường Korea vào năm 2005 vì tôi biết trước mình sẽ phải rất vất vả và không có thời gian để thư giãn như thế này.
Món ăn gia đình của vùng quê ngon một cách kỳ lạ mà người hàn gọi là “sonmat” (nghĩa là “vị của bàn tay”). Người dân dùng tảo biển để làm món ăn phụ hằng ngày một cách đa dạng. Trong món kimchi, họ còn để hàu sống vào để cùng lên men nên vị kimchi ở đây càng thêm mằn mặn và đậm đà nhưng không kém phần thanh tao. Đến những hòn đảo như thế này, bạn đừng bao giờ đi tìm siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Sẽ có vài tiệm tạp hóa không lớn, được gọi là “super”. Người dân miền đảo rất thân thiện và nhiệt tình dù lần gặp gỡ ban đầu bạn sẽ thấy họ hơi lạnh nhạt và lớn tiếng. Có điều trên đảo vào hè có rất nhiều ruồi và kích thước của chúng to hơn hẳn ruồi ở Việt Nam. Các bạn sẽ thấy tính hiệu quả của cây quạt đập ruồi cao như thế nào đến mức bạn sẽ nảy sinh ra ý định mua về Việt Nam để sử dụng.
Ban ngày, bạn có thể hứng thú với việc lội ra các mỏm đá để cạy hàu ăn tại chỗ một cách ngon lành và sẽ nhìn thấy nhiều người dòm ngó và xì xầm xì xào gì đó và kêu đừng ăn. Đối với người dân ở đây, những con hàu gần bờ như vậy không ngon và bị ô nhiễm nên họ không ăn. Nhưng theo tôi thì chẳng sao cả vì đó là một trải nghiệm mà bạn khó thể có cơ hội. Chiều về, bạn có thể ngồi trên bờ biển hay theo thuyền ngư dân ra khơi ngắm hoàng hôn. Nếu bạn biết bơi giỏi, bạn có thể hỏi xem mình có thể theo để xem thu hoạch bào ngư như thế nào. Bạn có thể mua bào ngư trực tiếp từ ngư dân với giá rất phải chăng và nhờ chủ nhà nấu cho mình. Bào ngư có thể được ăn sống trực tiếp hay chế biến đủ kiểu đa dạng. Mỗi ngày là một câu chuyện được lưu vào ký ức mà tôi không thể nào quên.
Tips: Nếu bạn ở biển cả ngày và bị cháy nắng, hãy thử dùng phương pháp dân dã mà tôi học được là lấy khoai tây bào mỏng hay nghiền nát rồi đắp lên nơi da bị cháy. Bạn sẽ thấy đỡ nóng và có hiệu quả. Miếng khoai tây bào mỏng sẽ bị khô quéo lại trên da nơi bạn đắp, trông giống như con bào ngư bị phơi khô vậy.
Jindo là hòn đảo lớn thứ ba của Hàn Quốc, có nhiều nét khác với Wando. Jindo có diện tích đất nông nghiệp lớn với nhiều núi đồi nên tuy là đảo nhưng họ có cả nông nghiệp và ngư nghiệp. Ngoài ra, du lịch của Jindo cũng tương đối được đầu tư và có nhiều điểm tham quan nên lượng khách du lịch đến đây không nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do tôi chọn Jindo là điểm đến rồi lại đi phà để đến hòn đảo Gwanmaedo gần đó trong vòng 1 giờ 30 phút. Đảo này vừa là một làng chài, vừa là làng nông nghiệp quy mô nhỏ với bãi biển bùn trải dài. Nếu bạn yêu thích hoa, Hàn Quốc không chỉ có hoa anh đào như mọi người biết đến mà còn có hoa mai trắng gọi theo tiếng Hàn là “Mai hoa”. Và Gwanmaedo nổi tiếng về mai hoa. Không cần phải đem xe vào đảo, bạn có thể đi bộ tham quan làng với các bức tường hàng rào đá thấp, bạn sẽ thấy người dân phơi rong biển trên đường hay trước cửa nhà. Lang thang đến khi mệt, bạn có thể tìm thấy tiệm tạp hóa, mua kem hay nước và ngồi trên tấm phản trước tiệm mà nghỉ ngơi và thưởng ngoạn phong cảnh, trò chuyện với người dân làng. Bạn có thể đi dạo, vui đùa hay có thể tắm trên bãi biển bùn đen láng mịn mát lạnh dài khoảng 3 km.
Tips: Bạn có thể mua trực tiếp rong biển phơi khô từ người dân đảo. Rong biển có rất nhiều loại, ở đây nổi tiếng có “Dolmiyok” – loài rong biển sống bám rễ chặt vào trong đá và thân rong lắc mình qua lại mạnh mẽ, liên tục theo chiều xoay của luồng nước biển, nhờ như vậy nên so với các loại rong biển khác, Dolmiyok ngon hơn. Ngoài rong biển, bạn cũng có thể mua nhiều loại thuộc về tảo biển khác có màu đỏ hay đỏ tím đã được phơi khô. Nếu bạn không giỏi nấu ăn, hãy ngắm nhìn rồi vào ăn trong quán, họ làm rất ngon.
Trên lãnh thổ Hàn Quốc, quận Sinan thuộc về vùng Jeollanam-do và bao gồm tổng thể số lượng đảo nhiều nhất nước. Bạn có thể đến bất kỳ đảo nào trong quần thể đảo ở đây tùy theo sở thích hay điều kiện thời gian cho phép. Xin được giới thiệu đảo Jeungdo, vào năm 2015 là nơi được bầu là nơi đáng để đến thứ 2 trong 100 nơi đáng để tham quan trên đất nước và được CNN tuyển chọn là danh lam thắng cảnh phải đến khi đến Hàn Quốc. Bạn nên ở lại ít nhất một đêm trên đảo vì đây là nơi được Bộ Văn hóa Du lịch Hàn Quốc bầu chọn là hòn đảo tuyệt vời để nghỉ ngơi, trải nghiệm thu hoạch muối và đánh bắt cá bằng lưới theo phương pháp truyền thống trên con đường đất nhô lên khi nước thủy triều rút ở Hwado. Đây cũng là phim trường của bộ phim gia đình “Cảm ơn” (Thank you) được quay và trình chiếu năm 2007.
Jeungdo có ruộng muối Taepyung lớn nhất Hàn quốc với qui mô khoảng 462.000m2 và là nơi cho sản lượng muối lớn nhất nước. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy có Bảo tàng về muối và đặc biệt là có Công viên thực vật sống Taepyung được UNESCO chỉ định là Khu vực Bảo tồn Sinh vật Đa dạng và được cả thế giới biết đến. Bạn có thể đến với Cầu cá Jjangttung, phía dưới là một bãi bùn lớn có rất nhiều cá jjangttung đang nhảy tung tăng, đầy những con nghêu đang sinh sống và những chú cua nhỏ nhắn bò lổm ngổm rất ngộ nghĩnh và sinh động. Bạn có thể thỏa sức bơi lặn hay nghỉ ngơi trên bãi biển vì ở đây có bãi biển cát trắng mịn dài thoai thoải gần 4 km. Ngoài ra, còn nhiều điểm khác để thong thả tham quan trên đảo.
Người Việt Nam có câu “Có thực mới vực được đạo” và Hàn Quốc cũng có câu tương tự như vậy “금강산도 식후경” (tạm dịch là: ‘Cho dù là núi Kumgang, phải ăn trước rồi mới tham quan sau’). Jeolla là vùng nổi tiếng về đồ ăn ngon nhất nước, đâu đâu cũng ngon, nhà nhà đều ngon. Tôi xin đặc biệt giới thiệu món lẩu cá jjangtung và bạch tuộc hấp trộn gỏi cay (nakjichomuchim), các món phụ cũng ngon không kém. Thông thường cá jjangttung sẽ được xay nhuyễn và nấu thành lẩu, ăn rất thanh tao, sảng khoái, không ngấy và đảm bảo bạn sẽ lại thèm ngay sau khi rời khỏi đảo.
Tips: Tại Jeungdo, bạn có thể mua các sản phẩm được chế biến từ muối tương đối đa dạng từ sản phẩm để làm gia vị nấu nướng đến sản phẩm cho cơ thể như muối tắm và xà phòng về làm quà cho bản thân hay cho người thân quen. Muối ở đây nổi tiếng vì khu vực này hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm và có hàm lượng khoáng phong phú.
Bạn sẽ cảm thấy thoải mái và không có gì phải gấp gáp tất bật luôn luôn phải theo kế hoạch và luôn lo sợ về thời gian vì hiện hầu hết những nơi tôi giới thiệu đều là nơi được gọi là “Slow city”. Có một sự khác biệt mà tôi yêu thích là biển đảo nước này nồng độ muối không cao như ở biển Việt Nam nên bạn sẽ hầu như không bị rít da hay khô cứng tóc. Và hải lưu của Hàn Quốc là hải lưu lạnh, nên bạn có thể dùng hải sản sống thoải mái, cảm nhận được vị thanh ngọt và mát mẻ của thịt cá sống không phải nhúng kỹ qua mù tạt đậm đặc như ở Việt Nam theo cách mọi người hay dùng. Hãy thử xem! Bạn sẽ phát nghiện như người nước ngoài nghiện phở Việt Nam.
Biển đảo Hàn Quốc đang chờ bạn khám phá.
Nguồn: http://vi.kf.or.kr/?menuno=2833&act=view&bbsno=142&skin=notice_vi_img