KOREANA TIẾNG VIỆT – KẾT NỐI BẠN BÈ Thư Bạn Đọc

KOREANA TIẾNG VIỆT – KẾT NỐI BẠN BÈ

Chuyên mục: Thư Bạn Đọc

Xin chào các bạn độc giả của Koreana Tiếng Việt!
Trong số này, Koreana nhận được hai lá thư đến từ hai bạn đọc ở Thành phố Hồ Ch íMinh.
Bạn Hồ Ngọc Linh chia sẻ những cảm nhận về văn hóa và cuộc sống, con người Hàn Quốc từ những bộ phim, chương trình nấu ăn trên ti vi đến những thay đổi trong chính “căn bếp” của các gia đình, cả Hàn Quốc và Việt Nam khi đọc bài viết trong Chuyên mục “Phong cách sống”, Koreana số đông 2015. Còn bạn Chu Đức Huy chia sẻ sự thích thú khi phát hiện ra các trang webtoon Hàn Quốc bằng tiếng Anh mà Koreana số xuân 2016 đã giới thiệu, giúp bạn có thêm một sở thích mới không kém phần thú vị.
Những lá thư của bạn đọc cho thấy Koreana đã góp phần vào sự gia tăng hiểu biết văn hóa lẫn nhau giữa hai nước, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp bạn đọc Việt Nam khám phá những nét đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc.
Tạp chí xin cảm ơn những tình cảm mà các bạn dành Tạp chí.
Hãy chia sẻ những cảm nhận, ý tưởng, góp ý của bạn đến hộp thư: koreanatiengviet@gmail.com

 

Người gửi: Chu Đức Huy (Tp. Hồ Chí Minh)
Người nhận: koreanatiengviet@gmail.com
Chủ đề: Webtoon – Thế giới khơi gợi tâm hồn tươi trẻ

Tôi là một tín đồ của truyện tranh. Tôi không đọc những thể loại như superhero comics của Mỹ, tôi đọc những cuốn manga Nhật Bản. Truyện tranh – đó là hơi thở của tôi, không khi nào tôi ngừng nghĩ về nó. Gần đây nhất, truyền hình Hàn Quốc bắt đầu phát sóng bộ phim “W- Hai thế giới” từ ngày 20 tháng 7 năm 2016. Bộ phim nói về thế giới hiện thực đan xen với thế giới trong webtoon. Kể từ đó, tôi bắt đầu tò mò về webtoon Hàn Quốc. Thú thật, đó là lần đầu tiên tôi biết đến webtoon. Cám ơn bài giới thiệu “Các trang web nơi bạn có thể đọc webtoon Hàn Quốc bằng tiếng Anh” của tác giả Park Seok-hwan trên trang Koreana tiếng Việt, nhờ đó tôi biết thêm phần nào về webtoon và các trang web để đọc.
Tôi là một người đã đi làm, phần lớn thời gian đều tập trung vào công việc, bóng đá và các hình thức giải trí khác như game, anime và manga. Tôi đọc manga Nhật Bản từ lúc bé xíu, bắt đầu từ những cuốn Doraemon, Thám tử lừng danh Conan hay Bảy viên ngọc rồng. Còn truyện tranh manhwa của Hàn Quốc hồi ấy tôi biết vài bộ nhờ đọc ké của em gái như “Mặt nạ tình yêu” của các tác giả Han Yu Rang, “Nụ hôn 5000 won” của Hwang Mi Ri. Manga xuất hiện với tần suất khá dày, đóng thành hàng triệu cuốn, có mặt trên các trang web mạng, blog truyện tranh. Trong khi đó, mãi tận bây giờ, tôi mới biết đến sự tồn tại của webtoon. Không biết các bạn thế nào, tự tôi thấy tôi quá lạc hậu rồi! Tôi rất đam mê việc học ngoại ngữ, nó có rất nhiều lợi ích cho cuộc sống. Lúc còn là học sinh, tiếng Anh như gốc rễ ăn sâu trong tâm trí của tôi. Trưởng thành, tính chất công việc không đòi hỏi sử dụng tiếng Anh nữa, dần dà tôi cũng quên béng đi phần nào ngôn ngữ này. Nay được biết trang web tác giả đề cập đến có thể đọc webtoon bằng tiếng Anh, tôi có cảm giác háo hức và mong chờ. Một là, tôi lại có thể đọc những truyện tranh Hàn Quốc khơi gợi tuổi thơ đã lãng quên. Hai là, tôi có thể song song việc trau dồi khả năng ngoại ngữ đã dần mai một.
Tôi không hứng thú với tiểu thuyết hay những cuốn truyện dài lắm. Đơn giản bởi bản tính của tôi thích nhanh gọn, có một chút lười biếng. Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc cả một câu chuyện dài toàn chữ là chữ. Truyện tranh thú vị hơn rất nhiều. Tôi có thể đọc nhanh, lướt các mặt chữ, có thể xem tranh thôi cũng đoán đại khái được nội dung, tiện mọi bề. Truyện có tranh vẽ các nhân vật, tình tiết dễ thương vẫn thu hút hơn đọc toàn chữ là chữ chứ, theo quan điểm của tôi là vậy. Riêng webtoon có cách đọc giúp tôi càng hứng thú hơn cả, vừa có thể đọc nhanh mà nhân vật lại còn vẽ hệt như người thật. Lối đọc theo hình chữ T giúp ích rất nhiều cho những người lười như tôi. Khung truyện rộng rãi, tạo bề thoáng, không gây nhức mỏi mắt.
Biết đến webtoon, tôi như khám phá được thú vui mới lành mạnh cho cuộc đời mình vậy. Webtoon thật sự đã khơi gợi tâm hồn tươi trẻ của tôi!

Người gửi: Hồ Ngọc Linh (Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh)
Người nhận: koreanatiengviet@gmail.com
Chủ đề: Bao giờ “anh quyến rũ” vào bếp….?

Cũng như rất nhiều người Việt Nam khác, tôi biết đến Hàn Quốc thông qua phim truyền hình. Ngày ấy, những bộ phim truyền hình “đời đầu” của phong trào Hàn lưu như: Hoa cúc vàng, Anh em nhà bác sĩ, Tình si… thường được HTV7 phát sóng vào hai khung giờ: 12h trưa hoặc 17h hàng ngày. Thời điểm ấy, ở quê, mạng internet chưa phổ biến, mọi người xem phim ảnh chủ yếu qua ti vi. Chính vì vậy, cuộc chiến giành quyền điều khiển remote ở nhà tôi là một cuộc chiến vô cùng cam go, quyết liệt. Bữa nào ba tôi ở nhà, hai đứa em tôi thích lắm vì cả ba người đều có chung sở thích xem phim kiếm hiệp Trung Quốc. Riêng những ngày ba bận việc chưa về, tôi luôn triệt để sử dụng quyền lực của chị cả để bật các kênh phát sóng phim Hàn. Tôi vừa phụ mẹ việc nhà vừa xem phim trong sự mất kiên nhẫn của hai đứa em trai: “Sao chị lại thích những bộ phim mà các diễn viên chỉ toàn nói chuyện, nấu nướng và… ăn cơm nhỉ?”. Tôi chống chế, “phải chú ý theo dõi mới thấy phim hay”. Giờ ngẫm lại, thấy mấy đứa em nói cũng đúng: phim Hàn ngày ấy dành khoảng 1/3 thời lượng cho việc nấu nướng và quây quần bên mâm cơm. Trong phim Hàn, những người bà, người mẹ ở các gia đình bình thường ở nhà lo việc nấu nướng, giặt giũ, quét dọn cho gia đình; trong khi các “phu nhân” ở những gia đình giàu có thường chỉ ở nhà trông coi việc nấu nướng, chăm sóc nhà cửa thông qua những người giúp việc.
Mẹ tôi, những ngày ấy hiếm khi tham gia vào các cuộc chiến giành quyền kiểm soát remote của bốn cha con. Cũng như những người bà, người mẹ Hàn Quốc mà tôi đang xem trên ti vi, vào những khung giờ ấy, mẹ thường tất bật chuẩn bị cơm chiều hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa để lau dọn nhà cửa.
Cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc khác, mẹ tôi đã bị dồn vào “xó bếp” lâu đến nỗi như tác giả Kim Youngsub trong bài viết trên Tạp chí Koreana đã thốt lên rằng: “Cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn nghĩ rằng vào bếp là công việc đương nhiên của người phụ nữ mà vẫn chưa có một động thái nào thể hiện lòng biết ơn đối với họ.”
“Không ai khen ngợi vẻ đẹp và ca tụng hình ảnh người phụ nữ vào bếp. Thế nhưng, nếu người vào bếp là nam giới thì việc nấu nướng đó lại trở thành một hành động đẹp, thể hiện sức hút riêng…”. Bản thân tôi cũng từng xuýt xoa, ngưỡng mộ khi các nam diễn viên xắn tay áo vào bếp chuẩn bị cho các nữ diễn viên một món ăn gì đó. Chợt nhận ra tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại cho đến bây giờ không hẳn chỉ vì đàn ông mà còn do chính những người phụ nữ. Đàn ông nghĩ rằng chuyện vào bếp là của phụ nữ thật đáng trách, nhưng những người mẹ “dè dặt không cho con trai vào bếp”, những cô gái cảm động rơi nước mắt khi được chồng hoặc người yêu nấu giúp một bữa cơm cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì khi suy nghĩ, phản ứng như vậy, người phụ nữ cũng đang tự mặc định rằng chuyện vào bếp là chuyện của mình.
Thật may khi xã hội ngày nay đã có nhiều biến đổi. Ở Hàn Quốc, các chương trình truyền hình liên quan đến nấu ăn xuất hiện ngày càng nhiều. Những chương trình do các nữ đầu bếp hướng dẫn phục vụ cho các bà nội trợ dần được giải trí hóa với sự xuất hiện nhiều hơn của những “người đàn ông đeo tạp dề”. Thậm chí năm 2010 ở Hàn Quốc, một kênh truyền hình dành riêng cho việc nấu ăn cũng đã ra đời. Tại Việt Nam, các chương trình nấu ăn do cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, cô Diệu Thảo hướng dẫn (những năm 1990) dần được thay thế bởi các chương trình do nam đầu bếp hướng dẫn. Các chương trình truyền hình thực tế như : Master Chef, Chuẩn cơm mẹ nấu, Cơm ngon con khỏe, … được tổ chức định kỳ hàng năm. Và hiện tại, mỗi chiều chỉ cần bật ti vi, khán giả sẽ được “anh nông dân” Quyền Linh kể cho nghe những câu chuyện cuộc sống vừa được anh hướng dẫn một số món ăn đơn giản hằng ngày.
Cảm ơn tác giả Kim Yong-sub với bài viết “Những người đàn ông mang tạp dề – Tại sao họ lại yêu thích nấu ăn đến vậy?” (Tạp chí Koreana, số mùa đông 2015), và cảm ơn các dịch giả của tạp chí Koreana Tiếng Việt vì đã cho tôi một góc nhìn khác về Hàn Quốc. Hàn Quốc với tôi giờ đây không chỉ có những chàng trai cô gái “trắng không tì vết”, sành điệu lướt smart phone khắp nơi. Ở nơi ấy, cũng như Việt Nam quê tôi cũng có rất nhiều phụ nữ cần được giải phóng khỏi nhà bếp. Bởi họ xứng đáng được yêu thương và đối xử công bằng.

Theo: http://www.koreana.or.kr/user/0002/nd34911.do?View&boardNo=00000411&zineInfoNo=0002&pubYear=2016&pubMonth=SUMMER&pubLang=Vietnam