Hôn lễ: Cách người Hàn tạo nút thắt _Chuyên đề 2: Tương lai của hôn nhân

Hôn lễ: Cách người Hàn tạo nút thắt
Chuyên đề 2: Tương lai của hôn nhân

 

Khái niệm hôn nhân đang biến đổi rất nhanh. Khoảng cách không thành vấn đề lớn trong tình yêu nhưng ngược lại, người ta ở bên nhau trong khi niềm khao khát duy trì độc lập của mỗi người ngày một lớn.

Chương trình phát thanh FM nửa đêm đang tư vấn về tình yêu. 1 giờ sáng, thời gian mà trái tim con người trở nên mềm nhũn. Những tâm tư ồ ạt gửi đến phòng phát thanh. Nhờ chương trình bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái này mà tôi biết được có những trăn trở về tình yêu và chuyện yêu đương phản ánh “hình tượng thời đại” khác với ngày xưa. Đó là những câu chuyện phản ánh thời đại mạng xã hội SNS được kết nối 24/24 giờ.

Khái niệm khoảng cách trong tình yêu
Giờ đây khái niệm “những người của quá khứ” đã trở thành một thứ cổ lỗ sĩ. Ngày trước, khi chúng ta tốt nghiệp cũng là lúc xa dần với những người bạn cũ. Bởi nói một cách khác, tốt nghiệp mang ý nghĩa “nhập học” vào một nơi mới và cũng cónghĩa là bắt đầu những mối quan hệ mới. Thế nhưng giờ đây, việc chia ly với một người đặc biệt vì lý do xa xôi cách trở “hầu như” không còn nữa, thậm chí đối với cả đôi tình nhân đã chia tay. Đó là bởi vì thuật toán của mạng xã hội không để cho chúng ta cô đơn.
Tôi thường được nghe câu chuyện các hậu bối kể rằng nhìn thấy người yêu cũ trong mục “gợi ý kết bạn” của Facebook hoặc Kakaotalk. Đâu phải chỉ có thế. Tôi còn nghe được cả câu chuyện một hậu bối cũng vì Facebook gợi ý kết bạn với bạn gái của người yêu cũ mà tâm trạng buồn mất mấy ngày. Cô ấy (dù không cố ý) đã truy lần theo bạn gái của người yêu cũ và biết được (cái tin mà không bao giờ muốn biết) rằng họ sắp sửa cưới.
Cũng có những câu chuyện yêu đương phản ánh hình ảnh của thời đại. Đó chính là sự phổ biến của việc “yêu xa”. Chuyện tình cặp đôi người nam thì ở Tokyo, người nữ thì ở Seoul cũng thường đến với phòng thu. Việc mà đang yêu đương nồng cháy thì một trong hai người đi du học hoặc đi làm việc nước ngoài nhiều hơn chúng ta nghĩ. Tokyo và Seoul không chênh lệch thời gian nên dù sao vẫn còn khả quan. Thế còn Luân Đôn và Seoul thì sao nhỉ? Seoul và Saint Paulo nữa? Dạo này không chỉ có những cặp đang yêu nhau mới yêu xa. Xung quanh tôi có cả những cặp chồng ở Seoul, vợ ở Pohang hoặc vợ ở California còn chồng thì ở New York.
Một hậu bối của tôi sống ở Seoul yêu xa với bạn trai ở Amsterdam. Một ngày nọ, cô ấy bay sang Amsterdam vì bạn trai và cùng ở đó ba tháng. Ngày cô ấy phải quay về Seoul vì hết visa, cô ấy nói sẽ tìm cách có thể ở lại với bạn trai và nhắc đến “visa hôn thê”. Visa hôn thê là một biện pháp bảo hộ tối thiểu của luật pháp để ngăn chặn việc trục xuất những người khác quốc tịch yêu nhau. Tại châu Âu, con số các cặp yêu nhau không lựa chọn hôn nhân đã gần đến 50%. Ranh giới giữa hôn nhân và sống chung dần dần đang biến mất.
Thế còn chúng ta thì sao. Việc hôn nhân là một trong ba thứ người ta từ bỏ của thế hệ “sampo sedae” (nghĩa là “thế hệ 3 bỏ”: việc làm, yêu đương, hôn nhân) là chuyện mọi người đã biết từ lâu. Chế độ hôn nhân như hiện nay nếu tiếp tục được duy trì thì có lẽ sẽ nhiều cặp từ bỏ hôn nhân hơn nữa. Bởi vì ít nhất về mặt kinh tế, hôn nhân “hầu như” không giúp ích được gì trong việc làm cho cuộc sống thêm sung túc. Liệu ai có thể dễ dàng lựa chọn hôn nhân nếu như phải gánh thêm lãi suất của khoản vay ngân hàng khi kết hôn. Các chính sách xã hội như bất động sản, tài chính… cũng tác động đến cuộc sống sau hôn nhân khiến cho cuối cùng, hôn nhân không chỉ còn là vấn đề “tình yêu” giữa hai người nữa.
Cô bạn ở lại Amsterdam lâu hơn dự định rút cục cũng chia tay với bạn trai. Người bạn khác đi lại giữa Seoul và Busan để yêu cuối cùng cũng đã chia tay với người yêu cách đây không lâu. Khi đang nói câu chuyện đó với bạn bè, một người bạn đang khắc phục khoảng cách lệch múi giờ 14 tiếng giữa New York và Seoul để yêu đã kể cho tôi nghe câu chuyện này.
“Trong hai năm yêu xa tôi rút ra được đúng một kết luận duy nhất. Chỉ có một cách ‘Long-đi’ thành công mà thôi, đó là bắt cá hai tay!”
Cô bạn vốn là bác sĩ chuyên khoa khoa thần kinh đã nói chắc như đinh đóng cột. Cô ấy cho rằng “bắt cá hai tay” là cách đối phó duy nhất có thể khắc phục được trở ngại “tình yêu không tình dục” nảy sinh từ việc yêu xa. Cô cũng nói thêm rằng “quan tâm ở mức vừa phải” – nghĩa là không quá tìm hiểu về đối phương mới là đức tính tốt nhất của “yêu xa” trong thời đại chúng ta.

“Nửa ở chung” – một hình thức kết hợp mới
Tiểu thuyết gia người Đức Erich Kastner đã nói: “Địa lý khiến tình yêu chết dần chết mòn”. Có rất nhiều câu tục ngữ đa dạng ở bất cứ nước nào trên thế giới mang ý nghĩa “xa mặt cách long”. Nếu vậy thì ta cũng có đặt ra hỏi câu này, “Khoảng cách tình yêu có thể chịu đựng được là bao nhiêu?”
Thật ra ngay trong tuần đầu tiên của năm mới tôi đã tư vấn cho những trăn trở về tình yêu xa. Họ bị nỗi sợ hãi bởi khoảng cách và sự lệch múi giờ đè bẹp trước cả khi ra đi. Họ muốn cưới nhau nhưng chưa gì đã thấy không biết có làm việc đó được không và tiên đoán trước sự thất bại. Nhưng tôi muốn hỏi ngược lại họ thế này. Sự hoàn thiện của tình yêu có nhất thiết phải là hôn nhân hay không? Hôn nhân có nhất định phải bao gồm việc suốt ngày ở bên cạnh người ấy không? Hôn nhân trong thời đại chúng ta đã khác so với quá khứ bởi vì điều kiện cuộc sống của chúng ta đã không còn giống như trước nữa. Tôi đã phát hiện được một câu chuyện thú vị trong bài phỏng vấn nhà xã hội học Zygmunt Bauman của nhà báo Mỹ gốc Hàn Ann Hee-kyung.
“Tôi đã từng nói về nhà văn Pháp Michel Houellebecq, phải không? Houellebecq là một con người rất trí tuệ. Ông đã viết về “phản-không tưởng” (dystopia). Đây là một khái niệm đối lập với “không tưởng” (utopia) – một tương lai vô cùng khủng khiếp xuất hiện trong cuốn “Những khả năng của một hòn đảo”. Ông nói đến kết quả của việc, “Nếu chúng ta cứ đi theo khuynh hướng hiện tại thì sẽ đi đến đâu?”. Ông cho rằng nếu như chỉ nhìn hình ảnh yêu đương thì rất nhiều cặp sẽ sống trong trạng thái chỉ được kết hợp một nửa với nhau mà thôi. Đó không phải là do khoảng cách xa xôi mà là vì bản thân chúng ta tuy vừa muốn ở bên nhau nhưng lại vẫn muốn được độc lập. Có một câu nói thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim Mỹ, đó là “Tôi cần không gian của riêng tôi!”, có nghĩa là mọi người hãy tránh xa tôi ra một chút. “Hãy để cho tôi được yên” – đây chính là tư tưởng của thời đại chúng ta.”

Theo Baumann, “sự nương tựa” ngày nay đã trở thành một điều không được đẹp đẽ cho lắm. Giải thích câu này ta thấy, lời hẹn ước khi chúng ta kết hôn, tức là câu sẽ dựa vào người kia kể cả lúc vui hay buồn, lúc giàu hay nghèo đã dần trở thành câu nói không hề phù hợp với thời đại này. Thời đại của chúng ta ngày nay nhấn mạnh tính độc lập đến mức như vậy.
Nơi tình yêu đáp lời lại giờ đây cũng khác trước. Con người muốn được kết nối 24/ 24 giờ. Thế nhưng sự hiện diện của thể xác lại là một dạng pháo đài của riêng mình. Điều này có nghĩa là người ta chỉ kết nối bằng internet, còn mạnh ai người nấy sống một mình. Chúng ta thật sự cảm nhận thấy sự cô độc nhiều nên mong muốn được kết nối 24/24 giờ. Thế nhưng chúng ta cũng lại muốn sự tự do có thể ra đi đến bất cứ đâu. Vấn đề là “tự do” và “ổn định” lại không bao giờ cùng tồn tại với nhau. Liệu có thể tồn tại cái gọi là “sự tự do có ổn định” hay không! Tự do đi cùng với sự nguy hiểm bắt buộc, còn cảm giác ổn định thì bắt buộc phải có cộng đồng.
Do đó một hình thức kết hợp mà nhiều người ưa thích đã ra đời. Đó là các cặp chỉ “sống chung một nửa”. Trong số các bạn internet của tôi, có nhiều người đang duy trì hình thức này. Họ không sống cùng trong một nhà mà mỗi người đều có nhà riêng, khi cần thì họ gặp nhau. Một cặp sống ở Jeju, chồng thì ở Hyeopjae, còn vợ thì ở Pyoseon. Hai người mỗi người làm việc riêng của mình và gặp nhau chủ yếu vào cuối tuần. Tất nhiên nếu cần thiết thì họ liên lạc với nhau và đi lại bất cứ lúc nào. Họ nói với tôi đó là tỷ lệ vàng mà họ chỉ vỡ ra được sau 12 năm cưới. Sự tự do với mật độ vừa phải, sự ổn định ở mức độ vừa phải lại trở thành chất kích thích nhau. Họ đã tìm được khoảng cách chính xác không hủy diệt tình yêu của họ.

Gần đây đã xuất hiện luôn hẳn từ lóng mới là “jol-hon” (tốt hôn) có nghĩa là “tốt nghiệp hôn nhân”, một khái niệm khác với ly hôn. Đây là khái niệm xuất hiện từ Nhật Bản, có nghĩa là vợ chồng sống độc lập và không can thiệp vào cuộc sống của nhau. Tuy duy trì quan hệ hôn nhân nhưng “jol-hon” có đặc điểm là nhấn mạnh cuộc sống độc lập hơn nhiều so với những cặp nửa sống chung.

Phòng riêng
Phần lớn chúng ta kết hôn trong tình trạng hầu như không biết gì về hôn nhân, việc này cũng giống như chúng ta không được giáo dục gì về tình yêu mà đã yêu. Thực ra những gì chúng ta đang biết đó chỉ là những truyện thần thoại gần như là mê tín về tình yêu. Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, tình yêu tự nhiên biết được mà không cần phải nỗ lực, khoảnh khắc tình yêu giống như phép màu khiến cho ta cảm nhận được bằng tất cả cơ thể rằng người này chính là “người của mình” bởi mọi thứ quá tự nhiên. Thế nhưng đây chỉ là những thứ mà phim ảnh, tiểu thuyết phim truyền hình tạo ra mà thôi.
Nếu như chúng ta tìm hiểu về “tình yêu được duy trì” với chỉ bằng một nửa mối quan tâm dành cho “tình yêu được bắt đầu” thì chắc chắn chúng ta sẽ đang yêu một tình yêu khác bây giờ. Cuộc sống hôn nhân cũng vậy. Có lẽ không có tác giả nào trăn trở về điều này nhiều và lâu như Alain de Botton. Ông đã từng viết mục “Kết hôn lầm người” trên trang web cá nhân của mình. Trong mục này ông ghi chép lại tỉ mỉ cơ chế làm thế nào mà chúng ta vốn là những chàng trai và cô gái bình thường vào thời chưa chồng chưa vợ lại trở thành những “kẻ điên rồ”, mất kiên nhẫn và không có tình cảm sau hôn nhân.
“Ngay cả khi nổi cáu, nếu không có người nghe thì chúng ta chả có chỗ nào để gào thét. Cho đến tận khi kết hôn, ta vẫn không biết ta là người hét toáng lên khi nổi giận. Khi làm việc cả ngày, ta sẽ không nhận ra được mình đã điên cuồng với công việc đến mức nào nếu không có ai gọi điện thoại nhắc ăn cơm, và nếu như ai đó có ý định ngăn cản ta thì sẽ không thể lường trước được địa ngục nào sẽ trải ra sau đó. Ôm và ghì chặt ai đó về đêm thì cũng thích, nhưng trong tình huống đã gần nhau rất sâu và phải trung thành với nhau thì chưa biết được ta sẽ hành động lạnh lùng và gượng gạo đến mức nào. Sống một mình dễ bị ảo tưởng rằng ta là người dễ sống với người khác. Nếu ta không biết rõ về bản thân mình thì việc không biết phải tìm đến ai cũng là điều đương nhiên.”
Thông thường là như vậy nên ông mạnh mẽ cho rằng, câu hỏi đầu tiên của tất cả cuộc hẹn hò trên trái đất này đều phải là: “Rồi thì bạn đang điên rồ như thế nào?”. Tại sao lại không phải như thế chứ! Nếu ai hỏi tôi hôn nhân là gì, tôi sẽ viết ra khoảng ba chục thứ. Nhưng ngay hiện giờ thì đây chính là điều tôi muốn nói: Hôn nhân là thứ mà dù ta có biết tất cả về nó nhưng ta vẫn thất bại trước trong từng giây phút. Bạn cho rằng tôi đã dùng phép thậm xưng chăng? Không hề như vậy. Do đó lời khuyên thực tế nhất về hôn nhân mà tôi có thể nói với các bạn chính là những lời dưới đây.
Hôn nhân thực ra là sự lựa chọn xem mình sẽ chịu đựng nỗi đau khổ nào. Điều đó có nghĩa là về sau này, đối tượng kết hôn của chúng ta sẽ gieo cho chúng ta những thể loại đau khổ mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được. Do đó, hôn nhân cũng tựa như việc lựa chọn đối tượng kết hôn – người ấy có phải là người có giá trị đến mức để ta phải chịu đựng những đau khổ ấy hay không. Bất cứ ai cũng không thể tránh được tổn thương trong thời gian chung sống, nhưng ít nhất chúng ta phải tự chọn được và buộc phải chọn mình sẽ chịu đựng tổn thương do ai gây ra. Phải như vậy chúng ta mới ít bất hạnh hơn được! Rút cuộc, câu nói thành thực nhất mà tôi có thể nói được về hôn nhân là nếu đó là người đàn ông mình không thật sự yêu thì đôi khi việc chịu đựng có thể trở thành việc khó khăn nhiều hơn cả tưởng tượng.
Có nên kết hôn hay không? Câu hỏi này thuộc loại các câu hỏi xưa cũ như có nên sinh con hay không hoặc có thể tồn tại tình bạn giữa nam và nữ hay không. Điều tôi học được qua cuộc sống hôn nhân hơn 15 năm là sự lựa chọn không phải là khái niệm đơn giản ở mức chọn cái nào giữa A và B. Tất cả các thể loại lựa chọn đều như vậy. Lựa chọn mang thuộc tính loại trừ và tàn nhẫn. Bởi vì lựa chọn có nghĩa là phải cáng đáng thứ mình không lựa chọn. Tôi muốn nói thêm một điều nữa, đó là rõ ràng người sống tốt một mình thì cũng sẽ sống tốt khi có hai mình. Điều này rõ ràng như việc có phòng riêng của mình không chỉ quan trọng đối với các nhà văn.

Baek Young-ok Nhà văn
DịchNguyễn Thị Phương Mai

 

Nguồn: https://koreana.or.kr/user/0005/nd34300.do?View&boardNo=00000946&zineInfoNo=0005&pubYear=2017&pubMonth=SPRING&pubLang=Vietnam