Hội thảo quốc tế Saemaul Việt Nam 2017

Hội thảo quốc tế Saemaul Việt Nam 2017

         Sáng ngày 23-11, tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế Saemaul Việt Nam 2017, với chủ đề: Chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các chiến lược phát triển cho các dự án Toàn cầu hóa Saemaul và chương trình “Xây dựng nông thôn mới” tại Việt Nam.

      Hội thảo do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) – Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Saemual Globalization Foundation và Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM, Trung tâm Phát triển nông thôn Saemual Undong phối hợp cùng tổ chức.

Ngài Hong Joon-pyo, UVHĐ Nhân dân tối cao, Chủ tịch Đảng Tự do Hàn Quốc phát biểu chào mừng. Ảnh: Việt Thành

Đến tham dự hội thảo có Ngài Hong Joon-pyo, Ủy viên Hội đồng Nhân dân tối cao, Chủ tịch Đảng Tự do Hàn Quốc, Đại biểu quốc Hội Hàn Quốc; Ngài Park Noh-wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, tỉnh Gyeongsangbuk, tổ chức quốc hợp tác quốc tế KOICA, các thành phố & huyện tỉnh trực thuộc Gyeongsangbuk, Saemual Globalization Foundation, các cơ quan liên quan và trưởng nhóm tình nguyện viên tại các làng đang thực hiện dự án.

Phía Việt Nam có ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Bộ LĐTB&XH, TP.HCM, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Huế, Ninh Thuận, Hậu Giang, 12 tỉnh ĐBSCL, đại diện văn phòng các tổ chức UNDP, FAO, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTB&XN đến tham dự.

Đại diện trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng, TS. Ngô Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng, TS. Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng, cùng các giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ khoa, trung tâm cùng đến tham dự.

PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc. Ảnh: Việt Thành

PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu khai mạc hội thảo Quốc tế Saemaul năm 2017. Hội thảo lần này nằm trong các chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Trường ĐHKHXH&NV là một trong hai trung tâm khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất cả nước có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và cộng đồng. Với lĩnh vực phát triển Nông thôn, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn Hàn Quốc, Trường đã thành lập trung tâm phát triển Nông thôn – Saemaul Undong vào năm 2016 và đã có những đóng góp đáng khích lệ trong việc nâng cao năng lực của người dân ở các làng thí điểm Saemaul tại Nam Trung bộ và ĐBSCL.

PGS.TS. Võ Văn Sen chào mừng quí đại biểu các nước Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc đến chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông thôn với Việt Nam; gởi lời cám ơn chân thành tới các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam như Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Bảo trợ Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH đã đến đây chia sẻ kinh nghiệm thực tế và ứng dụng với nhà trường những dự án đã triển khai tại Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Nam bộ. Cuối cùng, PGS.TS. Võ Văn Sen gửi lời cảm ơn đến Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul, Hàn Quốc, Văn phòng điều phối Trung ương CTMT Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ tích cực cho hội thảo lần này.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Ông Hà Công Tuấn đã phát biểu chào mừng. Ảnh: Việt Thành

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Ông Hà Công Tuấn đã phát biểu chào mừng và chia sẻ với các đại biểu tham dự về sự hợp tác với Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul và tập trung xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ông còn chia sẻ thêm các công việc mà Văn phòng điều phối Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thực hiện nhằm giúp đại biểu nắm bắt được thực trạng phát triển nông thôn mới của Việt Nam hiện nay.

Nhiều đại biểu đến từ các tỉnh, viện nghiên cứu Hàn Quốc đến tham dự. Ảnh: Việt Thành 

       Ông Lee Jiha – Chủ tịch Saemual Globalization Foundation phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành

Trong chuyến công tác tại TP.HCM, dự Triển lãm Văn hóa Thế giới Hồ Chí Minh – Gyeongju Expo, Ngài Hong Joon-pyo, Ủy viên Hội đồng Nhân dân tối cao, Chủ tịch Đảng Tự do Hàn Quốc, Đại biểu quốc Hội Hàn Quốc đã phát biểu chào mừng hội thảo Saemual Việt Nam 2017. Ông gửi lời cảm ơn đến Bộ NN&PTNT Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi hội thảo hết sức ý nghĩa này. Hy vọng, kinh nghiệm phát triển nông thôn từ phong trào Saemual Hàn Quốc, chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đến các quốc gia khác, nhằm cải thiện đời sống của người dân nông thôn trở nên giàu mạnh trong đó có Việt Nam. Ngài Hong Joon-pyo nhấn mạnh việc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chính là động lực để hai quốc gia trở thành những người bạn thân thiết.

Các nhà nghiên cứu, quản lý, tình nguyện viên của Saemaul Globalization Foundation tại Việt Nam về tham dự. Ảnh: Việt Thành

Tại phiên buổi sáng, dưới sự điều của TS. Ngô Thị Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm phát triển Nông thôn – Saemaul Undong, các đại biểu đã nghe những chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án phát triển nông thôn đến từ Phillipines (thị trưởng thành phố San Felipe) và Sri Lanka (Phó Giám đốc Văn phòng Phó Tổng thư ký Hội động tỉnh Sabaragamuwa Bandara Imi Hamillage) với các mô hình làng thí điểm; Quan điểm về phát triển nông thôn Việt Nam của UNDP, FAO, IFAD do cô Nguyễn Ngọc Hân (UNDP); Nguyễn Thanh Tùng (IFAD).

Đặc biệt là chia sẻ thông tin về Cuộc vận động Saemaul Undong của Giám đốc SGF – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tự trị Hàn Quốc, GS.TS. Kim An -Je. Ông chia sẻ bối cảnh và động lực của Hàn Quốc sau năm 1945 với tình trạng kinh tế lạc hậu, đời sống của người dân đang làm vào nghèo đói, đói ăn. Người dân thì tuyệt vọng, từ bỏ các ước vọng vươn lên, thoát nghèo. Các tệ nạn xã hội phát triển mạnh như rượu chè, cờ bạc, ăn chơi lừa đảo… trước tình hình đó, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đặt trọng tâm vào công nghiệp nặng và công nghiệp hóa học nhưng lại là nguyên nhân tạo ra sự mất cân bằng trong đời sống giữa nông thôn – đô thị, khi dân số tập trung vào các thành phố lớn, thì nông thôn mất dần lao động. Tính mất cân đối trong các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội làm cho xã hội mất cân bằng, tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Chính phủ Hàn Quốc nhận ra yếu tố tư tưởng và tinh thần có thể thúc đẩy phát triển kinh tế như: (1) xây dựng tư tưởng căn bản là đánh đuổi, khắc phục cái nghèo, thoát khỏi cái đói, xây dựng kinh tế tự lập; cải thiện môi trường nơi ở, nơi cư trú, bảo vệ rừng, phủ xanh; cải cách ý thức – thoát khỏi tư tưởng tuyệt vọng, quét sạch tư tưởng suy đồi, không lành mạnh, loại bỏ tư tưởng mặc cảm, cô lập, hiện đại hóa, khoa học hóa sản xuất và sinh hoạt; (2) tinh thần cơ bản: cần cù, tự lập, hợp tác và đề ra khẩu hiệu “làm là được”, “Chúng ra cũng làm được”, “chúng ta cũng sống tốt”. Chính các yếu tố yếu tố tư tưởng và tinh thần chứ không phải yếu tố kỹ thuật hay tài chính mới làm nên sự thành công của chương trình Saemual. Trên lộ trình là thời kỳ nhóm lữa đến thời kỳ tăng nhiệt và cuối cùng là thời kỳ bùng cháy, lộ trình này dựa vào chiến lược tiếp cận từ dưới lên; người dân và chính quyền cũng làm, thúc đẩy tính cạnh tranh, đánh giá hiệu quả và tiếp nối dự án tạo thu nhập. Thành quả bước đầu tạo nên thành công rất lớn, thậm chí hiện nay thu nhập nông thôn – thành thị Hàn Quốc khoảng 30.000usd (thu nhập ngang bằng với thành thị); môi trường sống được cải thiện; xây dựng được ý thức lành mạnh; xây dựng nền tảng tự trị địa phương. Bên cạnh đó, chính phủ thúc đẩy người dân thoát khỏi ý nghĩ nghèo truyền thông, quan trọng nhất chính là tính chân thật của chính phủ – Chính phủ trung thực và tin tưởng vào ý chí tích cực thì người dân sẽ cảm mến lãnh đạo tích cực và chân tình, minh bạch của chính phủ, sẽ đồng lòng trước chính sách nhất quán và giữ lời hứa của chính phủ. Hay việc xây dựng tính cạnh tranh lành mạnh, ý thức cạnh tranh trước hiệu quả nổi bật của những làng xã thành công; khát vọng và nỗ lực xây dựng làng xã thành công dẫn đầu được nhân rộng và tăng cao.

Tại phiên buổi chiều, các đại biểu nghe các diễn giải phân tích so sánh chương trình Xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động Saemaul Undong; kinh nghiệm từ các vùng thực hiện dự án hỗ trợ Làng thí điểm Saemaul và chương trình “Xây dựng nông thôn mới Việt Nam”; đưa ra các vấn đề cần giải quyết và phương hướng phát triển cho các dự án Toàn cầu hóa Saemaul.

                                 Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành 

Ngày 24-11, các đại biểu quốc tế, trong nước sẽ thăm và làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm phát triển Nông thôn Saemaul Undong tại cơ sở, Linh Trung – Thủ Đức của trường ĐHKHXH&NV.

 

Nguồn: http://www.hanquochoc.edu.vn/CPS/tintuc/tinbomon/2017/11/16881.aspx