BÌNH LUẬN NGHỆ THUẬT: “Tương lai chính là hiện tại”

BÌNH LUẬN NGHỆ THUẬT: “Tương lai chính là hiện tại”

 

        Triển lãm “Hậu nhân loại (Post-human): Con người hậu con người” diễn ra tại Bảo tàng Clayarch Gimhae với mục đích khám phá xem sự phát triển của công nghệ đang ảnh hưởng thế nào đến nhân loại, đặc biệt là những nghệ nhân, và phải làm sao để nghệ thuật có thể cùng tồn tại với công nghệ. Mặc dù có vẻ nghịch lý nhưng những sản phẩm được xem là biểu tượng của xã hội tương lai như robot trí tuệ nhân tạo, máy in 3D, bản vẽ kỹ thuật số lại củng cố thêm sức mạnh nguyên thủy để tư duy, sáng tạo và trải nghiệm của con người.

Loạt tranh “Mô thức bị niêm phong” (trên tường) của Kim Hong-jin, 2017. Vật liệu hỗn hợp, in 3D, 187 x 147 x 12 cm.“Các vật thể trên bàn mổ” (trái) của Kim Hong-jin, 2018. Vật liệu hỗn hợp, đúc, 180 x 150 x 180 cm.“Khán giả” (phải) của Kim Hong-jin, 2018. Vật liệu hỗn hợp, đúc, 130 x 130 x 180 cm.“Quá trình tuyệt chủng” (trên sàn) của Kim Hong-jin, 2018. Vật liệu hỗn hợp, đúc, 300 x 300 x 50 cm.

“Cô là người à?”

Tôi ghé vào tai một tác phẩm robot đang được gắn chặt xuống sàn theo hướng nằm ngửa và hỏi như thế.

“Tôi nghĩ rằng mình không phải là con người. Nhưng sẽ sớm thôi. Tôi đang cố gắng để trở thành người.”

Robot mấp máy môi trả lời. Thay vì sợ hãi vẻ ngoài kỳ quái của nó, tôi lại thấy thương xót khi nghĩ rằng, “Con người là gì mà phải cố gắng trở thành đến thế chứ?”. Tôi tiếp tục nói.

“Nhìn tôi đi nào.”

Robot xoay tròng mắt to về phía tôi và hỏi, “Sao ông lại đến đây một mình?”. Khi khách tham quan trò chuyện, hệ điều hành android bên trong não của robot “Nữ thần GAIA” này sẽ truyền thông tin về máy chủ (homepage server) của tác giả, sau khi tìm được câu trả lời, hệ điều hành sẽ truyền phát ra dưới dạng âm thanh. Câu hỏi và câu trả lời được cập nhật liên tục, do đó nội dung trò chuyện ngày càng đa dạng hơn. Tác phẩm “Nữ thần GAIA tuyệt vời” (An Envolving GAIA) của tác giả Roh Jin-ah đưa ra một câu hỏi cho người xem là: khi máy móc phát triển đến mức khó phân biệt được với con người thì người và máy sẽ giao tiếp và chia sẻ tương lai như thế nào?

Triển lãm “Hậu nhân loại (Post-human): Con người hậu con người” kéo dài đến ngày 24 tháng 3 năm 2019 tại Bảo tàng Clayarch Gimhae, thuộc thành phố Gimhae, Gyeongsangnam-do có chủ đề chính là “Tương lai”. Bước vào thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, các nghệ nhân cũng cảm thấy bất an về việc lao động của con người sẽ dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Triển lãm này được xem là kết quả của những trăn trở về khả năng tiếp diễn của nghệ thuật, trước những câu hỏi như nghệ thuật sẽ thay đổi theo hình thức nào khi kết hợp với công nghệ, nghệ thuật phải làm sao để duy trì được tiếng nói vốn có trong bối cảnh công nghệ phát triển quá nhanh chóng. Thông qua triển lãm này, khách tham quan cũng có được nhiều góc nhìn phong phú, từ bi quan khi dự đoán về diệt vong của văn minh nhân loại, và lạc quan về một cuộc sống tiện lợi do khoa học kỹ thuật phát triển mang lại, cho đến trí tưởng tượng vượt xa khỏi địa cầu.

“Nữ thần GAIA”, của Roh Jin-ah, 2017. Nhựa, gỗ, hệ thống tương tác, biến lắp đặt, dài khoảng 4,5 m.

Bi quan, lạc quan và trí tưởng tượng 
Một trong số những tác phẩm trưng bày lần này là tháp băng chuyền chứa hàng chục chú robot Teakwon V màu trắng và ánh kim giống hệt nhau xếp thành dãy. Và ngay bên cạnh đó, chú robot Taekwon V to lớn cùng chiếc bụng phình đặc trưng đang đứng trên bệ đỡ dưới dạng tháp truyền điện. Đây chính là tác phẩm “Robot Taekwon Boy” của Shin Yi-chul. Những con robot, vai chính trong truyện tranh mà lúc nhỏ chúng ta say mê, đã bước ra khỏi thế giới mơ ước và tưởng tượng, giờ đây chúng ta có thể dễ dàng gặp chúng trong thực tế với vai trò là người bạn có thể trò chuyện, thú cưng để nuôi dưỡng, đầu bếp hay hướng dẫn viên.

Loạt tác phẩm “Mô thức bị niêm phong” (The sealed Paradigm) của Kim Hong-jin là mô hình của vô số con kiến giống nhau được tạo ra từ máy in 3D, trải đầy trên sàn và tường của gian triển lãm. Tác giả như muốn hỏi: trong xã hội hiện đại khiến cho con người khó khẳng định được cá tính riêng này thì chúng ta khác gì với những con kiến sinh ra từ máy in 3D kia? Trong chiếc khung treo trên tường, Kim đã trải lần lượt các loại hạt giống, gạo, lúa mạch, cành cây, lúa mì rồi lấp đầy lên trên là mô hình kiến. Sự phối hợp các vật liệu như vậy có thể là do chúng được xem như biểu tượng của mô thức sinh tồn.

…………..

 

Kwon Keun-young Nhà báo Ban Văn hóa, Đài truyền hình JTBC
Nguyễn Xuân Thùy Linh Dịch.

Nguồn: Tạp chí Koreana – Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc, số Mùa Xuân 2019 (vol 6, no.1) phiên bản tiếng Việt.

Xem toàn văn tại đây: https://koreana.or.kr/user/0013/nd78091.do?View&boardNo=00002344&zineInfoNo=0013&pubYear=2019&pubMonth=SPRING&pubLang=Vietnam