GIẢI TRÍ: Sự xuất hiện của các zombie kiểu Hàn Quốc
Nếu nhìn vào thị hiếu của khán giả phim điện ảnh trong nước, những người thường ưa thích các chủ đề thực tế thì nội dung phim gần đây nói về xác sống (zombie) đã thu hút được nhiều sự quan tâm và tạo ra hiện tượng mới lạ. Vẫn còn khá sớm để thấy rằng đây là một thể loại phim truyền hình hay điện ảnh lôi cuốn được khán giả trẻ, tuy nhiên nó lại lôi cuốn một số nhà sản xuất phim nước ngoài do cách thể hiện và diễn giải đặc biệt của mình.
Trong thời gian vừa qua, đa số khán giả trong nước đều coi zoombie là thể loại phim loại B – loại phim mà chỉ số ít người ưa thích. Chính vì suy nghĩ đó nên chỉ có bộ phim “I am Legend” (tạm dịch “Tôi là huyền thoại”, 2007), tác phẩm được người hâm mộ trên toàn thế giới đánh giá chất lượng cao mới khiến số người xem tại Hàn Quốc lên tới 2,64 triệu người. Ngoài ra, “World War Z” (tạm dịch “Thế chiến Z”, 2013), vốn là bộ phim zombie bom tấn cũng thu hút khoảng 5,3 triệu người xem. Trong khi đó nhiều bộ phim đã thay đổi đáng kể nhận thức của khán giả trong nước về tác phẩm điện ảnh có nội dung xác sống kể từ năm 2016. Bộ phim “Train to Busan” (tạm dịch “Chuyến tàu sinh tử”) vượt mốc 11,6 triệu khán giả đã tuyên bố sự ra đời của các zoombie Hàn Quốc và thu hút sự chú ý của nước ngoài.
Bộ phim truyền hình “Kingdom” (Vương triều xác sống) được quảng bá trên kênh Netflix vào tháng 1 năm 2019 đã được săn đón nhiều hơn ở nước ngoài. Những người hâm mộ nước ngoài có vẻ như ấn tượng rất nhiều với cảnh đẹp của Joseon cũng như các lâu đài, cung điện ở đây.© Netflix
Một cách thể hiện mới lạ
Thành công lớn của bộ phim này phần lớn nhờ vào góc nhìn độc đáo trong việc thể hiện hình ảnh zombie. Sau bộ phim “The Host” (tạm dịch “Quái vật sông Hàn”, 2006), các bộ phim trong nước về đề tài thảm họa như “Ký sinh trùng” (2012), “Đại dịch cúm” (2013) đã nhận được sự đồng cảm của công chúng theo cách chứa đựng quan điểm phê phán về một hệ thống chính phủ không thể đối phó tình huống kịp thời. Bộ phim “Chuyến tàu sinh tử” cũng không khác với thực tế là bao khi người dân phải đứng lên chiến đấu trực tiếp với sự hoành hành của các zombie thay cho một hệ thống xã hội của chính phủ không thể kiểm soát hiệu quả.
Tuy vậy, hình ảnh zombie xuất hiện trong bộ phim này được xây dựng nên có phần giống như những người dân nghèo đói khốn khổ. Lúc đầu, chúng xuất hiện như những “kẻ ăn thịt” hoàn toàn xa lạ, tạo ra sự sợ hãi, nhưng rồi khán giả lại cảm thấy thương xót khi nhận ra rằng, một số “chúng ta” buộc phải trở thành thây ma trong những tình huống không thể tránh khỏi. Đây chính là đặc điểm độc đáo của cái gọi là “zombie kiểu Hàn Quốc”.
Lịch sử Hàn Quốc hiện đại đã được lồng ghép trong bộ phim “Chuyến tàu sinh tử”. Đoàn tàu cao tốc khởi hành tới Busan giống như sân khấu của bộ phim, được coi như là không gian tượng trưng cho “Speed Korea”, một phần của sự phát triển công nghiệp tốc độ cao. Bầy zombie chen chúc nhau trong đoàn tàu đóng kín gợi nhớ lại các phong trào tập thể mà chúng ta đã được chứng kiến trong sự kiện lịch sử của đất nước hay những hình ảnh về văn hóa đám đông. Hình ảnh người dân tràn ngập đường phố la hét dân chủ hóa hay hò reo cổ vũ cho sự kiện Worldcup Hàn Quốc–Nhật Bản năm 2002, hoặc thậm chí cả hình ảnh những người lính trong chế độ độc tài quân sự đều được liên tưởng từ hình ảnh zombie.
Việc thử nghiệm thể hiện zombie theo các cách khác nhau cũng xuất hiện trong cả các bộ phim nước ngoài. Nhân vật chính “Zombie R” của bộ phim “Warm Bodies” (tạm dịch “Tình yêu Zombie”, 2013) được mô phỏng là một chàng trai đang cố gắng giữ cô gái xinh đẹp tình cờ gặp gỡ của mình khỏi những zombie khác. Điểm mới mẻ này rất khác biệt so với hình thức điện ảnh zombie điển hình, hầu như được duy trì liên tục kể từ bộ phim được coi như là tác phẩm đầu tiên về đề tài zombie “Night of the living Dead” (tạm dịch “Đêm của những xác sống”, 1968) của đạo diễn George Romero. Đây là cách thể hiện mới mẻ trong việc thay đổi quan điểm về cách nhìn nhận người khác. Có thể nói rằng nó đã cho thấy một lối suy nghĩ với cái nhìn thoát khỏi sự kỳ thị về “người khác” từng tồn tại ở thế kỉ 20 mà thay vào đó là cái nhìn bao dung và đồng cảm. Tuy vậy, ngay cả khi chúng ta xử lý cùng một chất liệu thì việc thể hiện cũng thay đổi theo không gian và thời gian.
“Dạ Quỷ” được trình chiếu ở các rạp Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2018, mở ra một thể loại mới trong phim ảnh Hàn Quốc về zombie khi khai thác đề tài lịch sử chính kịch. Tuy nhiên, “Dạ quỷ” chưa cho thấy sự đột phá về cốt truyện và không tạo được con sốt ở các phòng vé.© Next Entertainment World
Tên gọi khác của tầng lớp dân nghèo
Bộ phim “Dạ quỷ”, ra mắt năm 2018 là một tác phẩm điện ảnh độc đáo kể về sự xuất hiện của các zombie trong bối cảnh thời kỳ Joseon. Đầu tiên, bộ phim đã cho khán giả thấy một thứ rất khác lạ chính là hình ảnh “zombie mặc hanbok”. Trong bộ phim, sự lây lan của các zombie bắt nguồn từ các tàu buôn nước ngoài neo đậu tại một khu cảng của Joseon cho tới tận hoàng cung. Nội dung phim kể về vị vua bất tài không thể kiểm soát được tình hình triều chính khi đám chư hầu đang gây lũng đoạn và có tham vọng tạo phản khiến hoàng tử quyết định trở về giải cứu đất nước sau khi bị đày ải ở nhà Thanh.
………..
Jung Duk-hyun Nhà bình luận văn hoá đại chúng
Trần Huyền Trang Dịch
Nguồn: Tạp chí Koreana – Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc, số Mùa Xuân 2019 (vol 6, no.1) phiên bản tiếng Việt
Xem toàn văn tại địa chỉ: https://koreana.or.kr/user/0013/nd71345.do?View&boardNo=00002347&zineInfoNo=0013&pubYear=2019&pubMonth=SPRING&pubLang=Vietnam