Văn hóa: Các loại sáo truyền thống của Hàn Quốc
Giới thiệu các loại sáo trúc ngang
Dưới thời đại Silla thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc (thế kỷ VII – X), nhạc cụ được coi như báu vật. Tiêu biểu là cây sáo Manpasikjeok (Vạn ba tức địch) khiến mọi sóng gió bão bùng đều tan biến và vạn vật trở nên êm đềm, hay đàn tranh 6 dây Geomungo được nâng niu bảo quản trong kho bảo vật quốc gia Cheonjongo (Thiên tôn khố). Thời đó, người Hàn Quốc có câu “Samhyeon Samjuk” (Tam cầm tam trúc), tức ba nhạc khí dây và ba nhạc khí hơi. Ba nhạc khí dây ở đây là đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tì bà Bipa. Còn ba nhạc khí thổi là ba loại sáo trúc ngang hình dáng tương tự nhau theo kích cỡ to, vừa, và nhỏ là Daegeum, Junggeum và Sogeum. Trong số này, đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo và sáo trúc lớn Daegeum vẫn được gìn giữ và phổ biến rộng rãi. Đàn tì bà Bipa một thời đã bị lãng quên, nhưng gần đây đã được phục dựng lại có tham khảo cách diễn tấu của đàn tì bà Trung Quốc. Đáng tiếc là sáo trúc vừa Junggeum đã không còn tồn tại ở Hàn Quốc. Còn sáo trúc nhỏ Sogeum hiện nay là mới được chế tác thời gian gần đây, chứ không phải sáo trúc nhỏ Sogeum từ thời Silla thống nhất. Sáo trúc nhỏ Sogeum không có huyệt màng dán Cheonggong giống sáo trúc ngang lớn Daegeum hay sáo trúc vừa Junggeum. Màng dán Cheonggong rất mỏng, làm bằng ruột lau sậy. Khi thổi sáo, hơi sẽ chạy qua ống sáo làm rung màng dán, tạo nên những âm thanh sắc thái độc đáo. Mới nghe âm thanh rung màng dán Cheonggong của sáo trúc ngang lớn Daegeum thì sẽ thấy hơi ngang tai. Sáo trúc nhỏ Sogeum vì không có huyệt màng dán Cheongong nên âm thanh trong và cao hơn. Sáo trúc Daegeum, Junggeum và Sogeum là các loại sáo thổi ngang và được phân biệt theo kích cỡ to nhỏ. Sáo càng nhỏ thì âm thanh càng trong trẻo, thanh cao.
Các loại sáo trúc dọc
Trong các loại nhạc khí hơi ở Hàn Quốc hiện nay, sáo trúc nhỏ Sogeum có kích cỡ nhỏ nhất. Sáo trúc ngắn Danso có âm thanh gần giống sáo trúc nhỏ Sogeum, vừa nhỏ gọn vừa dễ thổi nên đã được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học. Sáo trúc nhỏ Sogeum và sáo trúc lớn Daegeum là loại sáo thổi ngang, còn sáo trúc ngắn Danso lại là loại thổi dọc, chỉ có 5 huyệt thổi. Tuy không có âm thanh đa dạng nhưng sáo trúc ngắn Danso lại phù hợp với dòng nhạc phong lưu như các làn điệu dân ca Minyo hay Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương). Sáo trúc dọc Danso và khèn bầu Saenghwang có âm sắc hài hòa với nhau, nên thường được dùng để hòa tấu trong các khúc chính nhạc Gagok hay khúc Suryongeum (Thủy long âm) với tên gọi Saengsobyeongju, nghĩa là song tấu khèn bầu Saenghwang và sáo trúc dọc Danso.
Sáo trúc dọc Danso xuất hiện ở Hàn Quốc vào cuối thời Joseon, còn sáo trúc dọc Tungso đã phổ biến từ thời Goryeo (thế kỷ X – XIV). Người Hàn Quốc có câu “Bangan Tungso” tức là “Sáo trúc dọc Tungso trong phòng”, chỉ người biết thổi sáo trúc dọc Tungso nhưng lại không có can đảm đứng trước đám đông biểu diễn mà chỉ thổi trong nhà. Điều này cũng có nghĩa là đã có một thời loại sáo này được nhiều người ưa thích và sử dụng rộng rãi. Dưới thời Joseon, sáo trục dọc Tungso được diễn tấu trong âm nhạc cung đình như âm nhạc Tế lễ Tông miếu Jongmyojeryeak. Phạm vi sử dụng loại sáo này đang ngày càng thu hẹp, tới mức chỉ còn xuất hiện trong điệu múa sư tử Bukcheong Sajanoreum ở vùng Bukcheong tỉnh Hamgyeong nay thuộc Bắc Triều Tiên. Gần đây, sáo trúc dọc Tungso đã được đưa vào biểu diễn trong các dòng âm nhạc phong lưu và sáng tác mới. Tương tự sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Tungso cũng có huyệt màng dán Cheonggong nên âm thanh nghe có vẻ hơi thô, nhưng lại chính là nét hấp dẫn độc đáo của loại sáo này.
* Nhạc phẩm “Phong Lan – bài hát cho con” / Han Chung-eun (sáo trúc nhỏ Sogeum)
* Nhạc phẩm “Mùa xuân trên vọng gác”/ Lee Yong-gu (sáo trúc ngắn Danso), Mun Yang-suk (đàn tranh 12 dây Gayageum), nhóm phụ họa
* Nhạc điệu múa sư tử Sajachum và nhạc phẩm báo hiệu kết thúc yến tiệc Payeongok (Khúc bãi yến) / Dong Seon-bon và Go Jang-wook (sáo trúc dọc Tungso), phần đệm trống Buk và chiêng Jing
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=385951&page=1&board_code=