Văn hóa: Giới thiệu âm nhạc lên đồng và các danh ca của vùng Jindo
Danh nhân Jo Gong-rye và khúc hát Namdo Deulnorae
Người Hàn Quốc có câu “Nếu không biết hát thì không phải người đảo Jindo”. Điều này chứng tỏ người Jindo rất yêu câu ca tiếng hát, và địa phương này cũng chính là cái nôi của các khúc ca. Chẳng thế mà Jindo có tới 4 khúc hát được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là các khúc ca Jindo Ssitkimgut, Jindo Dasiraegi, Namdo Deulnorae, Ganggangsullae. Nhiều danh ca bất hủ của Hàn Quốc cũng xuất thân từ địa phương này.
Đầu tiên là danh ca Jo Gong-rye, được bình chọn là người kế thừa và truyền dạy kỹ năng hát “Namdo Deulnorae” (Bài ca người nông dân vùng Jeolla hát khi đi làm đồng). Danh ca Jo Gong-rye vốn không được đào tạo ca hát chuyên nghiệp từ nhỏ. Cha bà là người ăn chơi phóng đãng, cứ ở nhà là lại kéo bầu bạn hàng xóm tới đánh trống Buk, trống phong yêu Janggu, nhảy múa ăn chơi suốt ngày. Lúc nhỏ, những câu hát bà thường được nghe ở nhà là “Dungdeongi Taryeong” (Khúc hát đập lúa mạch), múa hát vòng tròn Ganggangsullae, Sangyeosori (Hò đưa tang). Đến khi trưởng thành, cuộc đời vất vả nhiều khi khiến bà nhớ về khúc hát xưa. Những câu hát trải lòng của Jo Gong-rye đã được người đời công nhận, bình chọn bà là người kế thừa và truyền dạy khúc ca truyền thống “Namdo Deulnorae”. Có mấy ai hiểu được bước đường chông gai của người nghệ sĩ. Để không bị bắt đi làm nô lệ tình dục thời Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc, Jo Gong-rye đã vội vàng lấy chồng. Nhưng cuộc đời làm dâu nhà người quá đỗi thống khổ. Không chỉ vậy, chồng bà bị thực dân Nhật cưỡng ép lao động, sau khi trở về lại trăng hoa bỏ mặc gia đình. Không nỡ để các con thơ chết đói, Jo Gong-rye đành lê thân ra chợ bán mắm tôm. Nỗi đắng cay ở đời như thấm đẫm trong từng câu hát của danh ca Jo Gong-rye.
Sau khi nghe về cuộc đời éo le của danh ca Jo Gong-rye, nhà thơ Kwak Jae-gu đã sáng tác một áng thơ có tựa đề “Cặp môi bị rạch của bà Jo Gong-rye”. Áng thơ kể về một người vợ mải mê ca hát, không chăm sóc chồng đến nơi đến chốn nên bị người chồng dùng hòn đá lớn rạch rách môi”. Dường như chính cuộc đời thống khổ và nỗi oán hận đã tạo nên sắc thái giọng của danh ca Jo Gong-rye.
Danh nhân Park Byeong-cheon và Park Jong-gi
Jindo có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Danh ca Park Byeong-cheon là người có công lớn trong công tác tìm kiếm và quảng bá những di sản văn hóa này. Jindo là chiếc nôi của văn hóa lên đồng theo nghiệp cha truyền con nối. Đặc biệt ở vùng Namdo phía Tây Nam Hàn Quốc, người ta gọi lối lên đồng này là Danggol. Khá nhiều danh ca và danh nhân âm nhạc xuất thân từ gia đình theo nghiệp lên đồng Danggol, có lẽ vì ngay từ trong bụng mẹ, họ đã thường xuyên được lắng nghe câu ca tiếng đàn. Danh nhân Park Jong-gi, người khởi xướng dòng âm nhạc Sanjo dành cho sáo trúc ngang Daegeum (Daegeum Sanjo), cũng là thành viên trong gia đình theo nghiệp lên đồng Danggol, còn danh nhân Park Byeong-cheon lại là cháu nội của danh nhân Park Jong-gi. Bản tính của người đời là cúi lạy cầu xin lúc gặp khó khăn trở ngại, nhưng đến khi xong việc lại quay lưng chê bai khinh miệt ông đồng bà đồng. Thời trẻ, vì không muốn nghe những lời dị nghị dèm pha nên danh nhân Park Byeong-cheon đã tham gia các ban nhạc rock, tập võ và buôn bán cả lương thực, nhưng cuối cùng vẫn không tránh được nghiệp hát nhạc truyền thống. Từ năm 1970, ông đã sưu tập các khúc hát Jindo Ssitkimgut, Namdo Deulnorae trong kho tàng âm nhạc truyền thống của vùng Jindo, tham gia cuộc thi nghệ thuật dân tộc toàn quốc và liên tục đạt các giải thưởng lớn. Với ngoại hình cao ráo, điển trai, khả năng vũ công và lên kế hoạch tốt, danh nhân Park Byeong-cheon được coi là viên ngọc của vùng Jindo
Danh nhân Kim Dae-rye và khúc hát Jindo Ssitkimgut
Danh nhân Kim Dae-rye là người kế thừa và truyền dạy lối biểu diễn dòng nhạc múa hát lên đồng Jindo Ssitkimgut. Gia đình bên ngoại của bà cũng làm nghề lên đồng theo nghiệp cha truyền con nối. Danh nhân Park Jong-gi chính là ông ngoại của bà. Như vậy, danh nhân Kim Dae-rye và danh nhân Park Byeong-cheon cũng là người một nhà. Đa phần các gia đình theo nghiệp lên đồng ở Jindo đều có quan hệ họ hàng dây mơ rễ má với nhau. Từ lúc lên ba, danh nhân Kim Dae-rye đã được mẹ địu đến chiếu đồng. Lúc mẹ nhảy đồng thì bà chơi cùng bọn trẻ sau chiếu đồng, và dần dà làm quen với câu hát và âm nhạc lên đồng. Nhờ ngoại hình ưa nhìn và khả năng ca hát, danh nhân Kim Dae-rye không chỉ nổi tiếng với điệu hát Jindo Ssitkimgut mà còn rất được hâm mộ qua hầu hết các khúc hát lên đồng của Hàn Quốc. Bà vẫn thường khuyên học trò “Hãy học đi! Học đi! Cho người khác!”, câu nói phản ánh phận đời của những người theo nghiệp lên đồng là luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ tới bản thân.
* Khúc hát “Bài ca giã cối” / Jo Gong-rye
* Nhạc phẩm “Eotmori Chukwon” / Park Byeong-cheon (hát và chơi chiêng Jing)
* Nhạc phẩm cúng tế thần Jeseoksin “Jeseok Gutmaji” / Kim Dae-rye
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=386295&page=1&board_code=