Phong cảnh đảo Jeju trong giai điệu dân ca truyền thống

Phong cảnh đảo Jeju trong giai điệu dân ca truyền thống

10 cảnh đẹp nổi tiếng trên đảo Jeju

Người Hàn Quốc quan niệm có ba ngày nóng nhất trong năm, đó là ngày Chobok (sơ phục), năm nay rơi vào thứ Năm tuần trước; ngày Jungbok (trung phục) vào Chủ Nhật tuần sau; còn hôm nay là Daeseo (đại thử), ngày nóng đỉnh điểm của năm. Người ta nói rằng trong tiết đại thử, thời tiết nóng đến mức đến sừng dê cũng bị nóng chảy. Giờ đây ở Hàn Quốc, đại thử là thời điểm nhiều người đi nghỉ hè. Xưa kia, khi chưa có khái niệm đi nghỉ hè thì vào thời điểm này, mọi người cũng tạm dừng công việc, lên núi hoặc tới những khu đất rộng vui chơi, hay rủ nhau ra suối ngâm chân, nằm nghỉ dưới những bóng cây mát rượi, lúc nào thấy đói thì lội xuống suối bắt cá, lên bờ nhóm lửa nấu nồi canh cá cay Maeuntang rồi cùng nhau sì sụp. Đáng tiếc là năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đa phần người dân phải gác lại kế hoạch đi chơi xa. Trong ngày nóng bức như hôm nay, thay vì những chuyến nghỉ hè, chúng ta hãy cùng thưởng thức những giai điệu dân ca trên đảo Jeju. Mở đầu là giai điệu Yeongjusipgyeong (Doanh Châu thập cảnh) do nhóm nhạc truyền thống Daolsori trình diễn.

Nhạc phẩm Yeongjusipgyeong (Doanh Châu thập cảnh) ca ngợi 10 thắng cảnh tươi đẹp của đảo Jeju (xưa gọi là Doanh Châu), như cảnh mặt trời mọc trên đỉnh núi Seongsan, cảnh mặt trời lặn trên ngọn Sara, thác nước Jeongbang vào mùa hè, màu quýt chín vàng ruộm dưới trăng thanh mùa thu, hay ao Baekrok trên núi Halla phủ trắng tuyết khi đông về, đàn ngựa nô đùa trên đồng cỏ, cảnh chùa trong hang núi Sanbang …

Tính đc đáo trong ca t các làn điu dân ca trên đo Jeju

Người Jeju gọi loại cỏ làm thức ăn cho bò và ngựa là Ggol. Thu tới, dân trong vùng thường lên lưng chừng núi Halla để cắt cỏ trên những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát, rồi đem phơi khô làm thức ăn dự trữ cho ngựa và bò suốt mùa đông. Cỏ ở đây còn được gọi là Chol. Giống như người miền xuôi rủ nhau đi cấy và gặt lúa, người dân đảo Jeju cũng rủ nhau đi cắt cỏ Chol. Dụng cụ cắt cỏ của người dân sống ở phía Đông đảo Jeju là cái liềm lưỡi ngắn Homi, còn người ở vùng phía Tây của đảo lại dùng liềm lưỡi dài Jinnat. Người này đứng khom lưng cắt cỏ, người kia ráng sức gom thành bó cho dễ vận chuyển. Suốt ngày làm việc cực nhọc, các động tác lao động đơn thuần lặp đi lặp lại dễ khiến người ta nhàm chán. Người dân đảo Jeju thường hát khúc ca chậm rãi Cholhongaegi khi cắt cỏ Chol.

Giới chuyên gia cho rằng dân ca Minyo trên đảo Jeju chịu ảnh hưởng của dân ca vùng Seoul Gyeonggi nên mang sắc thái trong sáng tươi vui, không buồn thảm tủi hận như dân ca Minyo của các vùng miền Nam Hàn Quốc. Phương ngữ trên đảo Jeju khá độc đáo, đến người dân Hàn Quốc thoạt nghe cũng ngỡ là ngôn ngữ của nước khác. Chính những đặc trưng này đã thu hút lớp nghệ sĩ trẻ biến tấu và biểu diễn dân ca Minyo nơi đây. “Iyahong Taryeong”, “Seouje Sori”, “Neoyeong Nayeong” là liên khúc các làn điệu dân ca của đảo. Làn điệu dân ca “Iyahong Taryeong” có câu điệp khúc “Iyahong Yahong Geureotgu Malguyo”. Làn điệu Seouje Sori vốn dĩ là khúc ca mà ông đồng bà đồng và những người tới xem đồng cùng hát trên chiếu đồng. Khúc hát có sắc thái hào hứng, ca từ hay nên người đời cũng hay hát ngoài chiếu đồng. Còn làn điệu “Neoyeong Nayeong” (Ta và nàng) là câu chuyện về tình yêu trai gái.

* Nhạc phẩm Yeongjusipgyeong (Doanh Châu thập cảnh) / nhóm nhạc truyền thống Daolsori 

* Khúc hát “Ggol Beneun Sori” (Giai điệu cắt cỏ) của đảo Jeju / Kim Ju-ok 

* Liên khúc các làn điệu dân ca của đảo Jeju “Iyahong Taryeong”, “Seouje Sori”, “Neoyeong Nayeong” / nhóm nhạc truyền thống Acappella Toris

 

Vui lòng truy cập trang nguồn để nghe thêm thông tin: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=388086