Lòng người và thiên nhiên trong thơ ca truyền thống Hàn Quốc
Tình cảm lãng mạn của người xưa trong thơ ca
Chắc ai cũng vui mừng khi bất chợt bắt gặp vạt nắng hiếm hoi trong những ngày đông giá buốt. Có người còn muốn mang hơi ấm của vạt nắng đông đem tặng cho người thương. Cảm xúc này đã được ghi lại trong một ca khúc truyền thống của Hàn Quốc, rằng:
Tia nắng ấm ngày đông rọi theo bóng dáng chàng
Thiếp muốn dâng chàng đĩa cần giòn thơm ngậy
Chàng chẳng thiếu gì nhưng không thể quên thiếp
Muốn trao tặng tất cả cho người thương là nỗi niềm của những người đang yêu trong mọi thời đại. Khác với tình cảm vua tôi, tình yêu nam nữ chẳng cần nói ra nhưng ai ai cũng đều có thể cảm nhận được. Vì thế mà xưa kia ở Hàn Quốc, nhiều học giả đã ví lòng trung thành của quần thần hướng tới đấng quân vương như hướng tới người thương trong lòng. Có lẽ chỉ có sự nhớ nhung, đức hy sinh và tình yêu vô bờ bến giữa những người yêu nhau mới diễn tả được lòng trung thành của họ đối với nhà vua.
Văn sĩ Im Je, hiệu Baekho (Bạch Hồ) ở triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) nổi tiếng là người văn hay chữ tốt và lãng mạn. Sống trong thời đại mà thể diện của giới quý tộc còn được coi trọng hơn mạng sống, thế nhưng trong lần trên đường tới tỉnh Pyongan (nay thuộc Bắc Triều Tiên) để nhậm chức, văn sĩ Im Je đã ghé thăm mộ kỹ nữ Hwang Jin-yi, ông rưới lên mộ nàng chén rượu và làm áng thơ than cho thân phận một kiếp má hồng. Nhưng rồi chuyện này tới tai triều chính và văn sĩ Im Je đã bị phế truất khi còn chưa kịp về đến phủ. Sau này, khi gặp kỹ nữ Hanwu (Hàn Vũ), văn sĩ Im Je đã lấy tên nàng gồm chữ “han”, âm Hán là “hàn”, nghĩa là “lạnh”, chữ “wu”, âm Hán là “vũ”, tức “mưa”, để sáng tác một áng thơ, rằng:
Trời phương Bắc trong xanh, ta lên đường không áo tơi mũ mão
Lên núi gặp tuyết, qua ruộng lại gặp mưa
Ướt mưa lạnh cóng, đêm nay lại ngủ co ro thôi
Kỹ nữ Hanwu (Hàn Vũ) có tài cầm kỳ thi họa hơn người, nên nàng đã đáp lại văn sĩ Im Je bằng một áng thơ, rằng:
Cóng lạnh lạnh cóng sao lạnh cóng
Gối uyên ương, chăn lụa ấm chờ chàng
Chi bằng lưu lại sưởi ấm cơn mưa lạnh
Tâm khảm tự do tự tại của người học giả giữa thiên nhiên
Người Hàn Quốc được tiếp cận với thơ cổ Sijo trong môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông. Vốn dĩ thơ cổ Sijo được dùng làm ca từ trong các khúc chính ca Gagok và thơ phổ nhạc Sijochang. Chính ca Gagok là dòng nhạc được hát theo nguyên tắc và hình thức nghiêm ngặt. Còn thơ phổ nhạc Sijochang là thể loại âm nhạc gần gũi và mang tính đại chúng cao hơn. Giới học giả, những người thường viết thơ bằng chữ Hán nhưng cũng rất hay dùng thơ cổ Sijo để bày tỏ tâm tình. Trong số này có thể kể tới khúc hát “Cheongsando Jeollo Jeollo” (Non xanh tự xanh) thể hiện mong ước rất đỗi chân phương rằng con người sinh ra trong tự nhiên và sẽ già đi theo năm tháng một cách tự nhiên. Khúc hát có đoạn:
Non xanh tự xanh, nước biếc tự biếc
Non tự nhiên, nước tự nhiên, ta cũng tự nhiên giữa non nước
Sinh ra trên đời, tự nhiên trưởng thành, nên tuổi già cũng sẽ tự nhiên đến
Truyền rằng áng thơ cổ Sijo này do học giả Kim In-hu (1510 – 1560) sống vào thời trung kỳ dưới triều đại Joseon sáng tác. Học giả Kim In-hu là thầy giáo dạy vua Injong (Nhân Tông, vị vua đời thứ XII của triều đại Joseon) khi người còn là thái tử. Lên ngôi không được bao lâu, vua Injong đã từ giã cõi đời. Trước sự rối ren trong triều chính, học giả Kim In-hu đã từ quan về quê chuyên tâm nghiên cứu Tân Nho giáo. Áng thơ “Cheongsando Jeollo Jeollo” (Non xanh tự xanh) của học giả Kim In-hu khắc họa hình ảnh người học giả tự do tự tại, từ bỏ tham vọng cõi nhân gian đã được lưu truyền tới nay dưới dạng thơ phổ nhạc dành cho giọng nữ Yeochang Gagok.
* Khúc hát “Gyeoulnal Daseun Bitcheul” (Tia nắng đông ấm áp) / nhóm nhạc truyền thống Souljigi
* Khúc hát Gagaek (Ca khách) / nhóm nhạc truyền thống Geurim
* Khúc hát Cheongsando (Non xanh) / Ha Yun-ju và nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=397951