Các loại sáo Piri ở Hàn Quốc

Các loại sáo Piri ở Hàn Quốc

[Sáo liễu Beodeulpiri, sáo lúa đại mạch Boripiri]

Người Hàn Quốc khi nói đến từ “Piri” thì họ thường liên tưởng tới các loại nhạc khí thổi. Ví như sáo Flute, sáo Recorder của Châu Âu. Hay những cây sáo trúc truyền thống của dân tộc mình là cây sáo trúc ngắn Danso hay cây sáo trúc dọc Tungso. Xưa kia, những loại sáo được lũ trẻ nghịch ngợm làm bằng cành liễu hay lá cây cũng đều được gọi là “Piri”. Sáo cành liễu có tên gọi là Beodeulpiri, còn sáo lá có tên gọi là Pulpiri. Nói tóm lại trong dân dã ở Hàn Quốc, “Piri” là tên chung chỉ những nhạc khí được thổi bằng miệng. Còn trong nhóm từ chuyên ngành thì “Piri” là từ chỉ loại nhạc khí thổi dọc bằng miệng, có ống bằng trúc to cỡ ngón tay, dài khoảng từ 20~30 cm và mỏ kèn Kyeopseo. Sáo Piri tuy nhỏ nhưng lại có âm thanh lớn và chắc nên luôn là loại nhạc khí chủ đạo trong âm nhạc cung đình, âm nhạc dân gian và cả âm nhạc vũ đạo nữa.

Ở Hàn Quốc, khi xuân sang hoa nở rộ, các rặng liễu cũng trở nên xanh mướt và ngậm no nước. Xưa kia, vào độ này, bọn trẻ thường chọn lấy cành liễu mập, cắt lấy một đoạn, vặn hơi miết tay một chút là vỏ và lõi cành liễu sẽ rời nhau ra. Sau đó dùng dao vót mỏng một đầu vỏ cành liễu làm đầu ngậm thổi, đục thêm vài lỗ ở phần thân là chúng đã có một cây sáo đồ chơi bằng vỏ cành liễu Beodeulpiri khá thú vị và có thể thổi được những khúc dân ca đơn giản có âm thanh nghe cũng từa tựa như âm thanh của cây sáo trúc thực thụ.
Đến mùa lúa đại mạch Bori chín, lũ trẻ lại cắt một đoạn thân cây lúa đại mạch Boritdae để làm sáo Boripiri. Thời bấy giờ lũ trẻ lấy đâu ra nhiều đồ chơi như ngày nay nên đây là những món đồ chơi đầy thú vị mang đến tiếng cười râm ran cho chúng trong những ngày nắng xuân ấm áp. Không biết có phải vì thế mà chúng ta cảm thấy tiếng sáo Piri thật hợp với sắc xuân.
[Sáo hương Hyangpiri, sáo đường Dangpiri, sáo tế Sepiri]

          Từ “Piri” chỉ cây sáo trúc trong chữ Hán được phát âm là “Pillyul” tức “Tất Lật”. Sáo trúc Piri chủ yếu có 3 loại là sáo trúc hương Hyangpiri, sáo trúc đường Dangpiri và sáo trúc tế Sepiri.
Sáo trúc hương Hyangpiri là nhạc khí được chơi trong các dòng nhạc truyền thống của Hàn Quốc từ nhạc cung đình Gungjungeumak, nhạc phong lưu của giới học giả Pungryueumak đến nhạc dân gian Minsokak. Còn chữ “Đường” trong tên gọi của cây sáo trúc đường Dangpiri ám chỉ nhà Đường Trung Quốc. Vốn dĩ cây sáo trúc đường Dangpiri thường được dùng để tấu các nhạc phẩm Trung Quốc. Nhưng ở Hàn Quốc sáo trúc đường Dangpiri còn được dùng để chơi cho một số nhạc phẩm cung đình của Hàn Quốc. Còn sáo trúc tế Sepiri do có âm thanh nhỏ nên thường là nhạc khí chơi đệm cho đàn huyền cầm tại những gian phòng phong lưu Pungryubang là nơi giới trí thức thời xưa tụ tập nghe nhạc, vẽ tranh, làm thơi và tranh luận bình phẩm.


Gần đây các nghệ sĩ nhạc truyền thống vừa bảo tồn những nét đặc thù của nhạc cụ truyền thống vừa đẩy mạnh sáng tác các nhạc phẩm mới mang đậm màu sắc âm nhạc quần chúng thời hiện đại. Sáo trúc Piri vốn là nhạc khí đã được sử dụng rộng rãi nhưng sự xuất hiện các nhạc phẩm và nhạc gia trong dòng sáng tác mới lại vẫn còn rất khiêm tốn. Điều này cũng nói lên tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

* Giai điệu Sangryeongsan (Thượng Linh Sơn) trong nhạc phẩm Pyeongjoheosang (Bình Điệu Hội Tương) / Kim Kyeong-ah (sáo trúc Piri)
* Nhạc phẩm Gaeguriegye (Nhắn nhủ chú ếch) / Ahn Eun-gyeong (sáo trúc Piri) và nhóm phụ họa
* Dân ca Changbutaryeong của tỉnh Gyeonggi / Choi Kyeong-man (sáo trúc Piri) và nhóm nhạc cụ dân tộc

Nguồn: http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_tmusic_detail.htm?No=10054004