Cách giải nhiệt của người dân Hàn Quốc trong những ngày hè nóng nực xưa kia

Cách giải nhiệt của người dân Hàn Quốc trong  những ngày hè nóng nực xưa kia

 

Giới học giả cầm kỳ thi họa thưởng trà

Học giả Hong Dae-yong (1731-1783), nhà khoa học và là triết gia dưới thời hậu Joseon là một người đam mê âm nhạc và tấu đàn tranh sáu dây Geomungo. Ông là người đầu tiên sáng tạo ra nghệ thuật chơi đàn tam thập lục Yanggeum du nhập vào bán đảo Hàn Quốc từ Trung Quốc. Văn hào Park Ji-won, hiệu Yeonam (Yên Nham), tri kỷ của học giả Hong Dae-yong trong ghi chép mô tả lại buổi liên hoan âm nhạc tại thư trai của học giả Hong Dae-yong có đoạn: Hong Dae-yong vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum, thì Kim Eok đã đáp ngay bằng đàn tranh sáu dây Geomungo, Guk-ong (tức Yi Han-jin) bỏ ngay mũ Gat ra và cất tiếng hát. Đêm về khuya, mây từ bốn phía đổ về làm vợi bớt cái nóng và tiếng đàn dường như trong trẻo hơn. Những người ở bên cánh trái và cánh phải đều lặng lẽ như đang ngồi thiền, như vị tăng ni vỡ lẽ về thế thái nhân tình của kiếp trước. Nhìn Guk-ong khi hát chẳng khác nào như người cởi phăng hết quần áo và bên cạnh không có một ai.”

Khi thả hồn chìm đắm trong âm nhạc thì cả người chơi nhạc và người nghe nhạc đều như bay bổng. Không biết sẽ nóng biết nhường nào ở cái thời đến quạt điện cũng không có chứ chẳng nói gì đến máy điều hòa nhiệt độ. Ngồi trong phòng khách Sarangbang đọc sách hay gặp gỡ tri kỷ đàm luận thế sự, học thuật là đời sống thường nhật của người học giả Hàn Quốc xưa kia. Tuy nhiên, giữa chảo lửa mùa hạ mấy ai có đủ bình tâm để ngồi trong thư phòng đọc sách, mà bàn chuyện thế sự thì cũng chỉ thêm nóng ruột nóng gan. Những ngày này mà được gặp bầu bạn tri kỷ, hưởng thú cầm kỳ thi họa trước hiên nhà thì lý tưởng biết bao. Văn hào Park Ji-won đã ví giây phút khi mọi người chìm đắm trong âm nhạc quên bẵng đi cái nóng như rang giữa ngày hè với giây phút đắc đạo.

Một số cách giải nhiệt ngày hè của bách tính Hàn Quốc

Trong lúc giới học giả tận hưởng phong lưu trong không khí êm đềm thì bách tính lại xua đuổi cái nóng bằng những trò tiêu khiển như trò vỗ vỏ bầu trên chum nước của người phụ nữ vùng Namdo (tức các tỉnh Nam và Bắc Jeolla). Trong trò tiêu khiển này, các mẹ các chị hứng đầy chum nước, úp cái gáo bầu lên trên rồi vừa vỗ vừa luân phiên nhau hát mỗi người một câu, vừa giải tỏa nỗi lòng, vừa vui vẻ nạp thêm sinh lực cho cuộc sống.

Xưa kia người Hàn Quốc có một thú vui trong ngày hè là đi câu cá những lúc trời âm u như muốn đổ mưa rồi đem cá câu được nấu canh hay nấu cháo. Trong ca khúc “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6 tháng 7) của tạp ca Hwimorijapga vùng Seoul và Gyeonggi kể về câu chuyện đi bắt cá của một người đàn ông. Chuyện kể rằng sau khi bắt được xâu cá mà chẳng có ai để gửi mang về. Đang lúc băn khoăn đắn đo thì một bé trai là người ăn kẻ ở nhà người ta đi qua. Thế là người đàn ông câu cá liền níu cậu bé lại nhờ đem cá câu được về nhà mình và liến thoắng dặn dò “Bắt cá ở đây mang về nhà tôi, bảo là cho thêm vài lát bí ngồi, chút hạt tiêu, rồi nấu cay cay vào nhé!…“. Thấy vậy cậu bé liền khôn khéo trả lời là “Đời người sao chua chát, là phận người ăn kẻ ở cho nhà người ta nên sáng sớm tinh mơ thì cho bò ăn cỏ, mặt trời chưa rạng đã phải đôi ba lần đi nhặt củi đốn cây, ban ngày phơi lưng trên ruộng, tối về lại còng lưng bện thừng, phải tới đêm khuya mới giở sách ra học được vài cái chữ. Thân phận này vất vả như thế thì có nên mang cá về cho nhà bác không nhỉ…‼!”

Chắc có lẽ người đàn ông câu cá phải chia cho cậu bé chút đỉnh thì cậu ta mới ngoan ngoãn nhận lời.

* Trích đoạn Sangryeongsan (Thượng linh sơn) trong Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) / Lee Oh-gyu (đàn tranh 6 dây Geomungo), Kim Gye-hee (khèn Saenghwang ),  Kim Sang-jun (sáo trúc ngang lớn Daegeum), Sa Jaee-seong (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm “Dungdeonggi Taryeong” (Khúc hát đập lúa mạch) / Jo Gong-rye và nhóm phụ họa 

* Ca khúc “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6 tháng 7) của tạp ca Hwimorijabga / Lee Hee-mun

 

Theo: https://koreana.or.kr/home/homeIndex.do?zineInfoNo=0010&pubYear=2018&pubMonth=SUMMER&pubLang=Vietnam