“Khi hoa kiều mạch nở” – Lee Hyo-seok
– Trích đoạn nội dung phát sóng –
_____
Anh nhìn về phía người lái buôn họ Jo, nhưng không phải vì thấy ái ngại mà vì ánh trăng đẹp khiến anh cảm động quá. Tuy đã qua rằm và hơi khuyết, nhưng ánh trăng vẫn trong, vẫn mềm mại bao phủ cả một vùng trời. Và đêm nay, họ phải đi bộ hơn bảy mươi dặm, phải vượt qua hai quả đèo, một con suối và đường đồng, đường núi. Ba người lặng lẽ đi bộ trên con đường bên sườn núi. Đêm sâu tĩnh mịch tưởng như có thể nghe thấy hơi thở của mặt trăng vẳng lại như tiếng thú rừng, thật đến mức ngỡ như có thể cầm nắm được trong tay. Dưới ánh trăng, những lá đậu, lá ngô càng thêm xanh mượt và kia là ruộng hoa kiều mạch đang phủ trắng cả triền núi. Những bông hoa bắt đầu hé nở dưới ánh trăng khuya, lấp lánh như phủ muối khắp nơi, mở ra một không gian huyền ảo đến nao lòng.
조선달 편을 바라는 보았으나
물론 미안해서가 아니라 달빛에 감동하여서였다.
이지러는 졌으나 보름을 가제 지난 달은
부드러운 빛을 흐븟이 흘리고 있다.
대화까지는 칠십리의 밤길 고개를 둘이나 넘고
개울을 하나 건너고, 벌판과 산길을 걸어야 된다.
길은 지금 긴 산허리에 걸려 있다.
밤중을 지난 무렵인지 죽은 듯이 고요한 속에서
짐승 같은 달의 숨소리가 손에 잡힐 듯이 들리며
콩 포기와 옥수수 잎새가 한층 달에 푸르게 젖었다.
산허리는 온통 메밀밭이어서
피기 시작한 꽃이 소금을 뿌린 듯이
흐믓한 달빛에 숨이 막힐 지경이다.
Nhà văn Lee Hyo-seok sinh năm 1907
tại xã Bongpyeong, huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon.
Đoạn đường bảy mươi dặm ông miêu tả từ quê mình,
xã Bongpyeong đến chợ Daehwa được cho là một trong những đoạn văn tả cảnh kinh điển nhất trong văn học Hàn Quốc.
Jeon So-yeong, Nhà phê bình văn học
“Khi nhắc đến những áng văn đẹp trong văn học Hàn Quốc, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nhà văn Lee Hyo-seok. Văn phong của ông lúc nào cũng tinh tế, ngôn từ miêu tả phong phú, câu văn uyển chuyển, những yếu tố này kết hợp với nhau và đưa tác phẩm lên một tầm nghệ thuật mới. Khi đọc truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở”, độc giả có thể tưởng tượng ngay trước mặt mình cánh đồng hoa kiều mạch trắng muốt, mơ màng dưới ánh trăng huyền ảo, tĩnh mịch trong đêm khuya thanh vắng. Chính năng lực biểu đạt tinh tế của tác giả đã giúp chúng ta có mối dây liên kết vừa trực quan, vừa sống động đến thế. Thời điểm ra mắt tác phẩm này là vào cuối những năm 1930, tức là cuối giai đoạn thực dân Nhật xâm chiếm bán đảo Hàn Quốc (1910-1945). Đây là thời điểm báo chí, văn học bị kiểm soát, người cầm bút không dám bày tỏ cảm xúc thực dù có được chứng kiến tận mắt những vẻ đẹp xung quanh. Tuy nhiên, nhà văn Lee Hyo-seok lại là tác giả luôn tìm tòi, lột tả những vẻ đẹp của tự nhiên hay bản năng chân thực của con người. Chính tấm lòng và ngòi bút miêu tả tinh tế của nhà văn đã giữ gìn vẻ đẹp ấy trong bối cảnh khốc liệt của thời đại và truyền lại nguyên vẹn cho độc giả chúng ta ngày hôm nay.”
Đôi nét về tác giả Lee Hyo-seok (23/2/1907-25/5/1942)
– Nhà văn Lee Hyo-seok chính thức đăng đàn năm 1928 với tác phẩm “Thành phố và những linh hồn”.
– Truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở” được giới thiệu lần đầu năm 1936.
– Các tác phẩm nổi bật của nhà văn Lee Hyo-seok gồm có “Hướng đến vùng Primorsky” (Primorsky là một khu vực nằm ở Viễn Đông, Nga, giáp với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên), “Hoa hướng dương”…
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=343437&page=1&board_code=