Jeju, Hòn đảo của Đá – Từ Huyền thoại đến Truyền thuyết CHUYÊN ĐỀ 3 Những hòn đá canh giữ ranh giới giữa sự sống và cái chết
Bức tường đá thấp bao quanh và tượng đồng tử với vẻ mặt ngây thơ đứng trước các ngôi mộ nằm trên những quả đồi chính là hình ảnh tượng trưng của Jeju, do thiên nhiên và tín ngưỡng của vùng đất này tạo nên. Thông qua những tác phẩm tạo hình mộc mạc, không cầu kì, không cần đến bàn tay khéo léo của con người này chúng ta có thể thấy được lịch sử hòa hợp giữa thiên nhiên và con người Jeju, cũng như hiểu hơn tư tưởng về sự sống và cái chết của họ.
Ảnh. Những ngôi mộ hình chóp Dang Oreum nằm ở Gujwa-eup, được bao quanh bởi các tường rào đá, chính là đặc trưng của đảo Jeju. Hàng rào đá quanh mộ, tức sandam, bảo vệ ngôi mộ khỏi hỏa hoạn và gia súc xâm phạm.
Jeju là đảo lớn nhất trong số 3.300 hòn đảo lớn nhỏ thuộc bán đảo Korea. Có thể ví Jeju như một ngọn núi khổng lồ, vì núi Hallasan với độ cao 1.950 m so với mặt nước biển đã vẽ nên những đường cong thoai thoải và trải dài trên toàn diện tích đảo. Khoảng 170 vạn năm trước, Jeju được hình thành từ sự phun trào của núi lửa Hallasan, do đó trên bề mặt và trong lòng đất của đảo đầy ắp vết tích của sự phun trào dung nham này. Vết tích đó chính là đá bazan, biểu tượng của cảnh quan độc đáo ở Jeju. Khắp nơi có sự hiện diện của đá bazan màu đen với nhiều lỗ, và cũng vì trên đảo nhiều đá, gió và phụ nữ nên Jeju còn được gọi là “Tam đa đảo”.
Con người luôn thích ứng và tận dụng môi trường sống. Người dân Jeju đã sử dụng đá để ngăn gió biển, vốn là một điều kiện tự nhiên khác mà họ không thể tránh được. Dân đảo gom đá rơi xuống từ vách núi hoặc các bậc thềm sóng vỗ rồi xây tường đá dọc theo bờ biển hay bờ ruộng để chắn gió và chắn sóng, xây tường rào đá quanh mộ để bảo vệ mộ, tạc thành tượng đồng tử để canh giữ mộ của người đã khuất.
Những bức tường rào đá, hình ảnh tượng trưng cho đảo Jeju, chính là kết quả tích lũy của quá trình lao động qua nhiều thế hệ. Người cha xẻ tảng đá to ra theo kích cỡ vừa phải, con trai thì chất những viên đá do người cha tạo ra để xây thành tường rào, còn mẹ thì gom những hòn đá nhỏ đào được mỗi khi cày ruộng để lấp khoảng trống trên tường. Khó có thể biết chính xác công việc tuy đơn giản nhưng khá nặng nhọc này phải lặp đi lặp lại trong bao lâu. Nhưng khi quan sát đảo Jeju từ trên cao thì những tường đá màu đen lớn nhỏ tạo nên nhiều đường cong theo phong cách tự do, vây quanh toàn bộ đảo, trông chẳng khác gì một tác phẩm mỹ thuật vĩ đại. Các tác giả vô danh đã xem mặt đất như khung vải để vẽ nên “tác phẩm mỹ thuật” kỳ bí, và điểm đặc biệt của tác phẩm này chính là vẻ đẹp thiên nhiên, chứ không phải vẻ đẹp do con người tạo tác.
Tường rào đá ở Jeju không có quy tắc hay kiểu mẫu nhất định mà uốn lượn tự do theo sở thích của người làm ra và chạy quanh bề mặt đảo. Vô số đường cong từ các bức tường rào đá này mềm mại tự nhiên như thể đang cuốn theo chiều gió. Cũng vì điều này mà có ai đó từng ví von: “ Mặt đất và tường rào đá Jeju vốn dĩ chỉ là một mà thôi.”
……..
Vì lý do bản quyền, quý đọc giả xem toàn văn tại địa chỉ: https://koreana.or.kr/user/0010/nd15792.do?View&boardNo=00001833&zineInfoNo=0010&pubYear=2018&pubMonth=SUMMER&pubLang=Vietnam
Nguồn: Tạo chí Koreana- Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc phiên bản tiếng Việt04