Đường đến hiện đại: Hàn Quốc đầu thế kỷ 20 CHUYÊN ĐỀ 3 Những người phụ nữ mở cửa và bước tới cận đại

Đường đến hiện đại: Hàn Quốc đầu thế kỷ 20 

CHUYÊN ĐỀ 3:

Những người phụ nữ mở cửa và bước tới cận đại

 

Một thiểu số những thiếu nữ tân thời vượt ra khỏi những điều cấm kị và kìm kẹp của Nho giáo, vốn là những điều phân biệt đối xử về vai trò xã hội của nam giới và nữ giới, họ chính là biểu tượng của thời đại đương đầu với làn sóng cận đại. Họ đi tiên phong với những kiểu tóc và gu thời trang mới, họ khát khao tự do, bình đẳng với nam giới, khát khao được yêu và kết hôn với người đàn ông do mình lựa chọn. Tuy nhiên, chính sự táo bạo, quả cảm ấy lại thường đẩy họ đến với những số phận bi kịch.

Đối với những người phụ nữ Joseon thậm chí từng không được phép đi ra ngoài, thời đại hiện đại đã mang đến cho họ cơ hội về giáo dục và quyền lựa chọn của riêng họ. Nhưng tự do như vậy không dễ dàng có được. Hậu quả của việc tìm kiếm ý tưởng mới để thay đổi cuộc sống xung quanh, họ thường gặp phải những lời chỉ trích gay gắt.

Chae Man-shik (1902–1950), nhà văn tiêu biểu cho dòng văn chương trào phúng thời cận đại của Joseon đã đánh dấu tên mình trên văn đàn bằng truyện ngắn miêu tả cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ trên tàu hỏa. Ra mắt dưới nhan đề “Ba con đường” trên Tạp chí Văn nghệ phổ biến vào năm 1924, truyện ngắn này nội dung không có gì đặc sắc, chỉ đơn giản kể về việc tình cờ chạm mặt nhiều lần với một “nữ sinh ăn mặc tinh khôi” trên một chuyến tàu, mà theo như cách nhìn nhận thời nay, đó là một tình huống chưa thể được coi là tình tiết câu chuyện ấy. Song, vào thời đó, việc một chàng trai trẻ ngồi kề bên một cô gái hoàn toàn xa lạ suốt hành trình dài là vô cùng ngoại lệ, và không gian con tàu, nơi có thể diễn ra trải nghiệm ấy, cũng vô cùng đặc biệt, đến mức có thể trở thành chất liệu của tác phẩm văn học. Hơn thế, cô gái ấy lại là một “thiếu nữ tân thời”, đối tượng không dễ có thể gặp được trong cuộc sống thường nhật.

Nhân vật chính chàng trai đã miêu tả cô gái “áo màu trắng, váy cũng màu trắng, đồ lót bên trong cũng màu trắng, đôi tất dài đến đầu gối cũng màu trắng, phấn thoa trên mặt cũng màu trắng, chỉ có đôi giày gót nhọn và suối tóc yêu kiều buông dài lả lơi là đen huyền”. Những miêu tả về cảm xúc không thể cầm lòng xao xuyến của chàng thanh niên mỗi lần gửi trao ánh mắt từ một khoảng cách rất gần với một nữ sinh thuộc nhóm người thiểu số trong xã hội đã được văn đàn ngày đó trao cho một vinh dự có tên là “đăng đàn”. Việc tiếp xúc với nữ học sinh cho đến nửa đầu thế kỉ 20, thời điểm truyện ngắn này ra mắt, là một “sự kiện” hiếm có và đặc biệt như thế. Gần đây, trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mr. Sunshine”, phim lấy bối cảnh Joseon thời kỳ khai sáng, giai đoạn cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, nhân vật chính là con gái của gia đình quý tộc, cô đã cởi bỏ chiếc áo choàng dài vốn trùm kín khuôn mặt, để học tiếng Anh ở lớp học của cô giáo người phương Tây. Trong khi đó, đến tận những năm 1910, việc người phụ nữ Joseon đi học ở trường vẫn còn là một điều vô cùng hy hữu.

“Tuổi thanh xuân” (1926), tiểu thuyết tình cảm lãng mạn vô cùng nổi tiếng được viết bởi Kang Eun-hyeong, biên tập và xuất bản bởi Nhà sách Daeseong. Khái niệm tình yêu tự do nhanh chóng được biết đến trong thời kỳ cận đại, tình yêu và sự lãng mạn đã trở thành chủ đề phổ biến trong tiểu thuyết.© All That Book

Cô nữ sinh gặp trên chuyến tàu
Năm 1886, Trường nữ sinh Ewha Haktang, cơ sở giáo dục dành cho nữ giới đầu tiên thời kỳ cận đại ở Joseon do các nhà truyền giáo phương Tây người Mỹ thành lập ở phường Jeongdong, Seoul đã được mở cửa. Tuy nhiên, cho đến tận những năm 1910, không hề dễ dàng để tuyển sinh. Việc tuyển sinh khó khăn đến mức giáo viên phải gõ cửa từng nhà và động viên “Nhà mình có chị, em gái hay con gái không? Nếu có xin hãy cho con em các vị đến trường học. Chúng tôi sẽ dạy học cho con em các vị mà không nhận đồng nào.” Nhưng tình hình đã thay đổi ngay sau khi thông tin học sinh Ewha Haktang tích cực tham gia Phong trào đấu tranh giành độc lập Mùng 1 tháng 3 năm 1919 [sử gọi là sự kiện 3.1 Undong] được truyền đi rộng rãi. Số học sinh muốn theo học tại trường đã tăng lên rõ rệt, dẫn đến tình huống không thể thu nhận tất cả những học sinh này. Điều đó không đồng nghĩa với việc hầu hết số học sinh trong xã hội đều là nữ. Theo thống kê của Phủ toàn quyền Joseon, năm 1923 số nữ sinh của các trường phổ thông cấp hai, tổng cộng 7 trường, cả trường công và trường tư, đạt khoảng 1.370 học sinh. Con số này ước tính chiếm 0,6% dân số nữ thời đó, trong đó, số học sinh nữ có trình độ từ phổ thông cấp hai trở lên chiếm tỷ lệ thấp hơn hẳn, chỉ khoảng 0,03%.

Những học sinh nữ chiếm thiểu số trong xã hội ngày ấy đã trở thành tâm điểm khác lạ, thu hút sự chú ý của thế gian. Không lâu sau đó, họ bắt đầu thể hiện bản sắc của mình như một nhóm người mới trong xã hội với danh từ “thiếu nữ tân thời”. Đương nhiên, thiếu nữ tân thời đã lôi cuốn ánh mắt của người khác. Họ thể hiện đặc trưng của mình qua trang phục váy ngắn đi với giày cao gót cùng chiếc ô màu đen và kiểu tóc được thay đổi theo xu hướng thịnh hành.

Váy suôn màu đen ra đời từ chiếc váy hanbok được cắt ngắn chiều dài lên đến khoảng bắp chân để vừa vệ sinh vừa năng động cùng với chiếc áo jeogori màu trắng đã được chọn lựa làm đồng phục của hầu hết các trường học, trong đó có các trường nữ sinh như Ehwa, Jeongshin và trở thành hình ảnh đại diện cho nữ sinh ngày ấy. Chiếc ô màu đen vốn là vật thay thế cho chiếc áo choàng seugae chima để che mặt trước đó, dần dần đã được đổi thành chiếc ô dùng để che nắng với màu sắc tươi sáng và trở thành một loại phụ kiện thời trang. Không chỉ chiếc ô, những vật dụng đi kèm như giày, tất, thắt lưng, khăn quàng, khăn tay, kính… cũng được thay đổi theo mốt và tượng trưng cho địa vị, thân phận trong xã hội của những thiếu nữ tân thời.

Đặc biệt, kiểu tóc đã trở thành tiêu chí quan trọng định ra những quy chuẩn của thiếu nữ tân thời. Kiểu tóc được biến hóa một cách hết sức đa dạng, từ kiểu hisashi-gami của Nhật Bản, còn được gọi là “tóc phân bò”, đó là tóc được túm lại sau đó búi thành một búi tròn ở phía sau đầu hay lối búi tóc thấp sau gáy được cải biến từ kiểu tóc ấy là turemeori cho đến lối tết bím truyền thống darigokji của Hàn Quốc lại được rộ lên vào giữa những năm 1920. Đặc biệt, còn xuất hiện những người phụ nữ quả cảm hơn thế khi để tóc ngắn như một tín hiệu của việc giải phóng phụ nữ. Tóc ngắn đã được các thiếu nữ tân thời hưởng ứng bởi sự tiết kiệm thời gian, tiền bạc và sự vệ sinh tiện lợi nhưng cũng có rất nhiều nam giới phản đối bởi lý do “đánh mất vẻ đẹp của người phụ nữ với mái tóc được coi là sinh mệnh”.

Như vậy, những thiếu nữ tân thời đã nỗ lực trong việc xác lập cái tôi thông qua “cái tân”, phân biệt với “cái cổ” để làm cho mình trở nên khác lạ và chọn một cách sống khác với chính mình và người khác. Váy suôn và giày gót cao mũi nhọn không đơn giản là phong cách ăn mặc mà còn là biểu tượng mang tính văn hóa, chất chứa khát vọng được yêu đương theo ý muốn của mình, được chia sẻ quyền lợi một cách bình đẳng với người chồng trong một gia đình kiểu mới nơi ngôi nhà có cây đàn dương cầm và dạy dỗ thế hệ tương lai những luồng tư tưởng mới.

Nhưng xã hội đã không dễ dàng đồng thuận và chấp nhận khao khát ấy của họ. Số lượng học sinh nữ ngày một nhiều lên rõ rệt, cách ăn mặc của những thiếu nữ tân thời trở thành đề tài bàn luận và những ý kiến chỉ trích cũng ngày càng gay gắt hơn. Báo và tạp chí thời đó lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ “sự xa xỉ và ảo tưởng” của thiếu nữ tân thời. Họ so sánh rằng giá của một đôi giày thời ấy gần bằng giá của hai bao gạo, qua đó có thể thấy một thực tế, đó là chi phí để tô điểm cho vẻ bề ngoài không nhỏ chút nào.

“Hơi thở mùa xuân” (1942) Kim In-seung Oil on canvas, 147.2 × 207 cmTác phẩm tiêu biểu của Kim In-seung, được vẽ trên hai khổ tranh lớn, miêu tả một nhóm phụ nữ thưởng thức màn trình diễn cello. Tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm nghệ thuật Chosen lần thứ 21 vào năm 1942.© Bank of Korea

Ngưỡng mộ và phê phán
Từ nửa sau những năm 1920, từ trường học, phụ nữ đã bắt đầu đặt chân tới những không gian công cộng như đường phố, những buổi hòa nhạc, buổi diễn thuyết, rạp hát hay công viên… Khi bán kính hoạt động của phụ nữ được mở rộng như vậy, phía trường học đã bắt đầu khống chế học sinh nữ bằng những quy định nghiêm ngặt. Họ cấm học sinh không được đến rạp xem phim hay đến các buổi hòa nhạc mà không có sự cho phép. Khi ra ngoài phải đi cùng gia đình hoặc bạn học khác, ngoài sách giáo khoa, nếu có tạp chí hay tài liệu thì phải khai báo với nhà trường. Đồng thời, việc ở trọ cũng rất lộn xộn nên nhà trường đã khuyến cáo một cách mạnh mẽ việc sống ở trong ký túc xá, thậm chí còn nghiêm khắc hạn chế cả việc trao đổi thư từ.

Cụm từ mang tính mơ hồ đó là “phong khí suy đồi” cũng trở nên phổ biến vào khoảng thời gian này. Hai chữ “phong khí” có nghĩa là “vận khí của cơn gió” đã được sử dụng một cách khó hiểu. Trang phục xa xỉ, hay sự ra vào các quán cà phê, tiệm ăn uống được coi là phong khí suy đồi, bỏ học đi xem phim cũng được coi là phong khí suy đồi. Hành vi phong khí suy đồi ghê gớm nhất chính là sự giao thiệp nam nữ. Việc gặp gỡ và kết bạn với nam sinh mà không được sự cho phép của cha mẹ được xem là “hành vi vi phạm nghiêm trọng” và bị đuổi học. Quan niệm cho rằng học sinh nữ là những cá thể yếu đuối và chưa trưởng thành về mặt tinh thần, vì vậy cần phải bảo vệ họ trước những xúi giục và cám dỗ đã trở thành nền tảng cho mọi quy định, đồng thời, ở nơi nền tảng của quan niệm ấy, tư duy đặt nam giới ở vị trí trung tâm và coi trọng sự trinh tiết của nữ giới, đã sâu bám rễ.

Những thiếu nữ tân thời đã nỗ lực trong việc xác lập cái tôi thông qua “cái tân”, phân biệt với “cái cổ” để làm cho mình trở nên khác lạ và chọn một cách sống khác với chính mình và người khác.

Lý do nữ sinh bị kiểm soát bằng những quy tắc nghiêm ngặt ít nhiều liên qua đến hình ảnh thiếu nữ tân thời vốn được coi là biểu tượng của thời cận đại ấy vô cùng hoa lệ và được cảm nhận rõ bằng mắt thường. Trí thức Joseon của những năm 1920–1930, những con người thất bại trong việc xây dựng một quốc gia cận đại từ sức mạnh của bản thân, họ phải sống một cuộc sống tuân phục và lệch lạc của quá trình cận đại hóa thuộc địa. Trong hoàn cảnh ấy, lý tưởng và cuộc sống mà những thiếu nữ tân thời hướng đến lại rất khác với hiện thực xung quanh. Tính chất nhị nguyên được tạo bởi sự ngưỡng mộ và phê phán đối với nữ sinh ấy đã ẩn chứa cảm xúc hai mặt của những người đàn ông trí thức thất bại trong việc trở thành chủ thể đường đường chính chính của quá trình kiến thiết quốc gia cận đại. Với họ, nữ sinh vừa là biểu tượng của tính cận đại, vừa là tượng trưng cho tính chất nguy hiểm và bất thuần khiết của một “thời cận đại giả tạo đầy phóng đãng và đê tiện”.

Nữ sinh của Trường tưởng niệm Jennie Speer, những người từng bị cầm tù vì tham gia Phong trào Mùng 1 tháng 3, chụp ảnh sau khi được thả. Trường được thành lập vào năm 1908 tại Gwangju, tỉnh Jeollanam-do, bởi nhà truyền giáo người Mỹ Eugene Bell.© Gwangju Speer Girls’ High School

Tình yêu và tự sát
Trong xã hội Joseon thời kỳ trước cận đại, việc kết hôn được diễn ra trên cơ sở quyết định của cha mẹ, việc cá nhân tự do lựa chọn người bạn đời theo ý muốn của mình là điều hoàn toàn không thể. “Yeonae” (yêu đương), một từ mới xuất hiện được du nhập từ Nhật Bản được dịch từ chữ “love” trong tiếng Anh đã tạo nên phản ứng mạnh mẽ với tư cách là một danh từ truyền bá hình thức kết hôn của phương Tây, hình thức được tạo nên bởi ý chí mang tính tự quyết của những người trong cuộc. Tình yêu đã tạo nên sự bùng nổ trong xã hội như một phong tục mới mà ở đó, người ta khước từ cuộc hôn nhân do cha mẹ định đoạt và tự do lựa chọn bạn đời theo ý chí của mình. Nó được coi là thứ cảm xúc cao quý vượt lên những khác biệt về giàu nghèo, sang hèn, học thức, trở thành lối tư duy của thanh niên, coi bản thân chính là chủ nhân của đời mình. Như thế, tình yêu đã mở ra một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là việc hiện thực hóa tình yêu được coi là hiện thực hóa cuộc sống được khai sáng.

Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với “luồng tư tưởng mới” có tên là tình yêu, rất nhiều thanh niên trí thức đã kết hôn với người phụ nữ do cha mẹ định sắp đặt theo tục lệ xưa cũ. Họ muốn từ bỏ cuộc hôn nhân với người vợ do cha mẹ định đoạt để sống với người phụ nữ mà họ tự lựa chọn. Đến mức, ở trường học xuất hiện câu lạc bộ “Hội những người li hôn” và dấy lên cả phong trào vô hiệu hóa hôn nhân. Đã có nhiều trường hợp sống chung với người con gái mình thích khi việc li hôn không diễn ra theo ý muốn. Khi niềm tin rằng tình yêu và hôn nhân tự do chính là một trong những con đường để hiện thực cuộc sống được khai sáng, đối với họ, việc bỏ rơi người vợ tào khang để chung sống với người phụ nữ mình yêu là hành động thực tiễn hết sức chính đáng của toàn xã hội. Những người phụ nữ không kết hôn mà sống chung với nam giới còn được gọi là “vợ lẽ”, trào lưu này đem đến nỗi đau cho cả người phụ nữ tân thời lẫn người phụ nữ truyền thống.

Đứng trước cách biệt rõ rệt giữa hiện thực và lý tưởng, những người trẻ tuổi càng khao khát tìm lại sự thuần thiết của bản ngã một cách mạnh mẽ. Sự kỳ vọng và cuồng nhiệt đầy phấn khích đôi khi dẫn đến hành động quá khích là tự sát. Đây chính là những gì ẩn chứa đằng sau “tự tử vì tình”, hành vi được bắt đầu lan tỏa như một trào lưu xã hội từ nửa sau những năm 1920. Năm 1923, vụ việc thiếu nữ Kang Myeong-hwa 23 tuổi uống thuốc chuột và chết trong vòng tay của người đàn ông mình yêu đã trở thành nội dung được đặc biệt quan tâm trên báo và tạp chí. Cô gisaeng Kang Myeong-hwa và anh con trai nhà giàu Jang Byung-cheon phải lòng nhau nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình anh này nên cô đã tự kết liễu đời mình. Jang Byung-cheon từng đưa cô gái sang Nhật bỏ trốn nhưng bị bạn bè du học sinh ở đó lên án là hành vi bôi nhọ danh dự của người Joseon. Sau đó, Jang Byung-jeon cũng quay lưng lại với thế gian bằng cách làm tương tự với người yêu và rồi từ sau đó, tên tuổi của Kang Myeong-hwa đã khắc sâu vào lòng của đông đảo quần chúng như một danh từ riêng ca ngợi tinh thần trong sáng của tình yêu, còn câu chuyện của họ thì được viết thành tiểu thuyết, thành bài hát, thậm chí cả phim ảnh trong suốt hàng chục năm sau đó.

Năm 1926, vụ việc Kim U-jin và Yun Sim-deok cùng gieo mình ở eo biển Hyunhaetan trên con tàu từ Shimonoseki đến Busan đã để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn thế. Khi ấy, cả hai đều 29 tuổi, nhưng Kim U-jin là người đi tiên phong trong nền kịch cận đại, thành viên buổi đầu của Hiệp hội Nghệ thuật kịch được thành lập vào năm 1920 bởi những du học sinh Joseon đang theo học nghệ thuật tại Tokyo, còn Yun Sim-deok lại nổi tiếng là giọng nữ cao đầu tiên của Joseon. Vụ việc cùng nhau tự sát của hai con người được đồn thổi là có quan hệ yêu đương, một là ngôi sao trong giới âm nhạc, một là tác giả đầy triển vọng tương lai và đã có vợ con, đã bị xã hội lên án mạnh mẽ. Thái độ của đại chúng đối với Yoon Sim-deok lại không được bao dung như với cô gái mang thân phận gisaeng Gwang Myeong-hwa.

Dù nhận được sự ngưỡng mộ, xót xa hay trở thành đối tượng bị chỉ trích, phê bình, những vụ tự sát liên tục xảy ra của những nam nữ thanh niên vì tình yêu không thành đã trở thành một vấn đề to lớn của xã hội. Thậm chí, từ nửa sau những năm 1920, một ngày có đến ba, bốn vụ được đưa tin trên báo. Đây là những bi kịch nảy sinh khi khát vọng tự do về cảm xúc của giới trẻ vấp phải hoàn cảnh khắc nghiệt. Những tác phẩm lấy đề tài tình yêu đã thu hút mối quan tâm của đại chúng, những tiểu thuyết hiện đại ngày đầu đã lan tỏa mạnh mẽ sự lựa chọn cái chết đa dạng của các cặp nam nữ đương thời. Chẳng hạn như cái chết vì không được đáp lại cảm xúc trong tác phẩm “Yun Gwang-ho” (1918) của Yi Kwang-su (1892–1950), cái chết để chuộc lại lỗi lầm do sự lựa chọn sai lầm trong “Hoan hỉ” (1923) của Na Do-hyang (1902–1926), cái chết vì sự phản bội của người yêu trong “Đêm hôm ấy” (1921) của Bang Jeong-hwan(1899–1931).

Cái chết là cách chứng minh sự thuần khiết của bản ngã trước lý tưởng mang tên tình yêu, ngược lại, nó cũng là biểu lộ tinh thần phản kháng mạnh mẽ, chống lại mối bất đồng giữa lý tưởng và hiện thực. Đó chính là xung đột giữa niềm tin tuyệt đối về tình yêu với thực tế hoàn toàn khác biệt, dẫn đến việc những con người ở độ tuổi thanh xuân đã tìm đến đỉnh cao trong việc khẳng định chủ thể bằng cách thức lệch lạc ấy.

Kim U-jin bắt đầu viết và chỉ đạo các vở kịch khi còn là sinh viên ngành văn học Anh tại Trường đại học Waseda, Tokyo. “Sự trả thù”, vở kịch tự truyện của ông được viết vào năm 1926, khắc họa mối xung đột của một nhà thơ trẻ mang trong mình những ý tưởng phương Tây với các giá trị Nho giáo truyền thống của gia đình.

Yun Sim-deok là một ca sĩ và một diễn viên nổi tiếng. Bà là người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên nghiên cứu âm nhạc cổ điển phương Tây và được cho là đã viết lời cho bài hát nổi tiếng của mình, “Sự tán dương cái chết” (Sa-ui chanmi), sau khi quyết định đưa cuộc sống của mình thoát khỏi nỗi tuyệt vọng bởi một tình yêu vô vọng.© The JoongAng Ilbo

Giấc mơ chưa trọn vẹn
Nhân vật “tôi” nhỏ tuổi trong tiểu thuyết tự truyện “Cái cọc của mẹ” (1979) của nhà văn Park Wan-suh (1931–2011) đã oằn oại trong nỗi niềm khát vọng ép con phải trở thành một thiếu nữ tân thời của mẹ mình. Câu trả lời trước hết của người mẹ cho câu hỏi “Thiếu nữ tân thời là gì vậy ạ?” của nhân vật “tôi” lại chính là những miêu tả về ngoại hình. Cụ thể, thiếu nữ tân thời là “cô gái chải tóc kiểu hisashi-gami thay vì búi tóc thấp kiểu truyền thống, mặc váy suôn màu đen để lộ bắp chân, đi giày gót nhọn và mang túi xách”. Đó là trang phục không thể hấp dẫn đứa con gái nhỏ muốn mặc váy màu vàng với đi giày vải hoa và nó đã hỏi lại.

“Thiếu nữ tân thời làm việc gì hả mẹ?”

Lần này, người mẹ có vẻ hơi bối rối, bà đã trả lời thế này.

“Thiếu nữ tân thời là những người phụ nữ học nhiều, không có gì là không biết về lẽ phải của thế giới này và chỉ cần quyết tâm là có thể làm được bất cứ việc gì theo ý mình.”

Đó chính là tương lai của đứa con gái được vẽ nên bởi người mẹ chỉ dựa vào tài may nhỏ nhoi của mình mà dám rời bỏ làng quê, dấn thân nơi thành thị Seoul với một niềm khao khát con cái được học hành trong những tháng ngày cuối của thời kỳ thuộc địa. Có khi biết đâu đó lại là tương lai được hy vọng và mơ ước bởi những người phụ nữ bỏ lại sau lưng những tục lệ lâu đời để bước chân ra khỏi chốn khuê phòng những năm tháng xã hội Joseon lần đầu tiên được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây mang tên cận đại và trải qua những biến đổi mạnh mẽ trong cuộc sống và nhận thức. Đi qua quãng thời gian thoát khỏi ách đô hộ thực dân với những đau thương chiến tranh để đạt được sự những thành tựu kinh tế và xã hội rực rỡ như ngày hôm nay, hiện tại của những người phụ nữ liệu đã tiến gần được với giấc mơ của những người mẹ ấy được bao nhiêu?

Kim Chi-young Giáo sư Khoa Ngữ văn Trường Đại học Công giáo Daegu
Nguyễn Lệ Thu Dịch.

Nguồn: https://koreana.or.kr/user/0013/nd36349.do?View&boardNo=00002342&zineInfoNo=0013&pubYear=2019&pubMonth=SPRING&pubLang=Vietnam