Văn hóa: Âm nhạc Phật giáo ở Hàn Quốc

Văn hóa: Âm nhạc Phật giáo ở Hàn Quốc

 

Giới thiệu âm nhạc Beompae (Phạm bái)

Ở Hàn Quốc, văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống người dân từ lâu đời. Đối với người Hàn Quốc, Lễ Phật đản không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, mà còn là dịp diễn ra các hoạt động văn hóa đa dạng ở khắp nơi trên cả nước, ví dụ như Lễ hội đèn lồng Yeondeunghoe, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia số 122. Hoạt động văn hóa này bắt đầu từ thời Silla thống nhất ba vương quốc trên bán đảo Hàn Quốc. Trong đêm hội, cả triều đình và bách tính cùng tận hưởng ý nghĩa thiêng liêng của thời khắc thả đèn. Năm nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, các hoạt động kỷ niệm Lễ Phật đản cũng bị lùi tới ngày 30 tháng 5 (ngày 15/4 nhuận âm lịch). Hy vọng sự an lành từ bi sẽ đến với mọi người mọi nhà như cơn mưa hoa. Trong Phật giáo có khái niệm “Ggotbi”, tức “mưa hoa”. Truyền rằng dưới thời vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) ở Ấn Độ (từ thế kỷ VI trước Công Nguyên đến thế kỷ VI sau Công Nguyên), khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng đạo cho các Bồ Tát ở núi Linh Thứu (Gijihakuta) gần thành Vương Xá (Rajagrha), trời bỗng đổ mưa hoa, và từ vị trí giữa hai lông mày của Đức Phật, vầng hào quang tỏa sáng soi rọi khắp thế gian. Cảnh tượng này đã được ghi lại trong khúc hát “Namuyeongsanhoesangbulbosal” (Nam mô linh sơn hội thượng Phật Bồ Tát), với phiên bản hỏa tấu tên là “Yeongsanhoesang” (Linh sơn hội tương). Sau nhiều lần biến tấu kế tục, giờ đây, khúc hát được coi là nhạc phẩm tiêu biểu trong dòng văn hóa phong lưu của giới học giả thời Joseon. “Yeongsanhoesang” (Linh sơn hội tương) là sự hội tụ của 9 khúc nhạc, một trong số đó là khúc hát Yeombuldodeuri.

Nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) vốn là khúc hát Yeongsanhoesangbulbosal (Linh sơn hội tương Phật Bồ Tát). Có lẽ đây là một trong những nhạc phẩm Beompae (Phạm bái) mà các nhà sư thường hát trong khi cử hành nghi lễ Phật giáo. Beompae (Phạm bái) là một thể loại lễ nhạc hết sức độc đáo, còn được gọi là Beomeum (Phạm âm). Beomeum nghĩa là “có nguồn gốc từ Ấn Độ”, cũng có nghĩa là “lời răn dạy của Đức Phật”. Trước cửa Điện Đại hùng chùa Ssanggye (Song Khê) ở tỉnh Nam Gyeongsang có đặt một tấm bia đá cổ kể về Thiền sư Jingam (Chân Giám) thời Silla thống nhất sang nhà Đường Trung Quốc du học, rồi về bán đảo Hàn Quốc truyền bá Phật giáo tại chùa Song Khê. Trên tấm bia có cả nội dung về âm nhạc Beompae (Phạm Bái). Truyền rằng Thiền sư Chân Giám hát nhạc Beompae hay tới mức người dân thời đó nô nức đổ về chùa để theo học. Âm nhạc Beompae được lưu truyền tới nay có lẽ chính là câu hát Beompae phổ biến rộng rãi từ thuở đó. Qua hơn 1.000 năm, lễ nhạc Beompae (Phạm Bái) hiện nay có hai dòng chính là Hotsori và Jitsori. Hotsori thường sử dụng Gesong, những câu văn dựa trên một áng thơ ngắn trong Kinh Phật, hát trong các nghi thức Phật giáo. Còn Jitsori gồm những ca từ ngắn nhắc tới tên Đức Phật, Bồ Tát, hay lời răn dạy Beomeo của Đức Phật nhưng được hát chậm kéo dài. Mỗi từ trong bài được hát tới tận 10 phút, nối tiếp nhau tạo nên câu hát mới. Trích đoạn Geoyeongsan (Cử linh sơn) trong nhạc phẩm “Beompae Jitsori”. Trích đoạn chỉ có 9 chữ “Na mu yeong san hoe sang bul bo sal” (Nam mô linh sơn hội thượng Phật Bồ Tát) lặp lại nhiều lần, nhưng hát ngân nga kéo dài chữ “hội” ở đoạn giữa.

Ảnh hưởng của Phật giáo tới đời sống của người dân Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, khi các chùa chiền tổ chức lễ hội lớn, thường thì các nghi lễ không diễn ra trong điện chính mà ở ngoài khuôn viên rộng. Các tăng ni Phật tử sẽ treo tranh vẽ Đức Phật gọi là Gwaebul (Quải Phật) và thực hiện các nghi lễ Phật giáo ngay trước bức tranh này. Geoyeongsan (Cử linh sơn) được hát trong khi di chuyển bức tranh Phật ra khuôn viên cử hành lễ hội. Phật giáo du nhập vào bán đảo Hàn Quốc vào cuối những năm 300 sau Công Nguyên. Trong hơn 1.600 năm qua, theo dòng chảy của thời gian, Phật giáo đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của người dân Hàn Quốc. Đến tín ngưỡng lên đồng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Phật giáo. Tiêu biểu nhất có thể kể đến thần Jeseoksin (Đế thích). Truyền rằng thần Đế thích vốn là thần Indra (Nhân Đà La), một trong những vị thần quyền lực và linh thiêng nhất ở Ấn Độ. Phật giáo Hàn Quốc quy ước thần Jeseoksin là vị thần bảo hộ kinh pháp của Đức Phật. Còn trong tín ngưỡng lên đồng, thần Jeseoksin được coi là vị thần cai quản vận mệnh, tuổi thọ và công việc đồng áng cũng như kế sinh nhai của con dân. Trên chiếu đồng Gut, khi hát khúc Jeseokgeori trong nghi thức cúng tế thần Jeseoksin, các ông đồng bà đồng thường đội mũ vải trắng hình tam giác giống nhà sư. Khép lại chuyên mục phát thanh hôm nay, “Âm điệu ngàn xưa” kính mời quý vị và các bạn lắng nghe nhạc phẩm Jeseokgeori (thuộc nghi lễ múa lên đồng vùng Gyeoggi) do nghệ sĩ Jeon Byeong-hun và nhóm phụ họa trình bày. Jeseokgeori vốn không phải là khúc hát khi nhảy đồng. Danh ca Park Chun-jae sáng tác nhạc phẩm này trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản đô hộ, sau đó nghệ sĩ Jeong Byeong-hun đã khôi phục lại.

* Khúc Yeombuldodeuri trong nhạc phẩm Miraehoesang / Park Gyeong-hun (biến tấu), Kim Yeong-gi và Kim Hee-seong (hát),  Seong Eui-sin (đàn nhị Haegeum)

* Trích đoạn Geoyeongsan (Cử linh sơn) trong nhạc phẩm “Beompae Jitsori” / nhà sư Songam (Tùng Nham) 

* Nhạc phẩm Jeseokgeori (thuộc nghi lễ múa lên đồng vùng Gyeoggi) / Jeon Byeong-hun và nhóm phụ họa

 

Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=385177&page=1&board_code=