Văn hóa: Tâm tình người Hàn Quốc trong khúc hát xưa
Tâm tình của các nữ nhi trong đêm trường
Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có trích đoạn Gwigokseong (Tiếng ma khóc) diễn tả tâm trạng của nàng Xuân Hương nơi ngục tối. Khoảnh khắc chờ đợi cái chết từng ngày từng giờ trong ngục tối đối với một thiếu nữ mới đáng sợ làm sao. Ban ngày thì đã đành, nhưng khi màn đêm buông xuống, ánh sáng duy nhất trong ngục tối lạnh lẽo chỉ là ánh đèn dầu leo lét, phập phù và bóng song sắt nhà tù in đậm trên 4 bức tường. Thi thoảng, tiếng cú mèo kêu hay gió rít làm chao đèn đung đưa khiến khung cảnh ghê rợn trong chốn ngục tù càng thêm ớn lạnh, làm con người ta có cảm giác như nghe thấy tiếng ma khóc. Có lẽ tiếng ma khóc chính là tâm trạng sợ hãi, cô đơn, bất lực, không lối thoát của nàng Xuân Hương nơi ngục tối.
Vào thời hậu Joseon, có một lần, một vị quan của vùng Jinju thuộc tỉnh Nam Gyeongsang đã mở tiệc ở lầu Chokseok (Súc Thạch) và cho mời danh ca Song Heung-nok tới hát. Lầu Chokseok ở ven sông và khá xa làng mạc nên rất phù hợp cho việc thưởng nhạc trong đêm dài tĩnh lặng. Truyền rằng, khi danh ca Song Heung-nok hát khúc Gwigokseong (Tiếng ma khóc), lúc mọi người đang chìm đắm trong câu hát trầm bổng thì bỗng mọi ngọn đèn đều phụt tắt, làm cho những người tới dự tiệc đều vô cùng hốt hoảng.
Dưới thời Trung kỳ của triều đại Joseon, tức thế kỷ XVI-XVII ở Hàn Quốc, trong số các cháu nội của vua Sejong (Thế Tông, vị vua thứ IV của vương triều Joseon) có một người tên là Yi Jong-suk, hiệu Byeokgyesu (Bích Khê Thủ), rất giỏi tấu đàn tranh 6 dây Geomungo và vui hưởng phong lưu. Ông hằng ao ước một lần được gặp kỹ nữ xinh đẹp Hwang Jin-yi, người có tài cầm kỳ thi họa nổi tiếng dưới thời Joseon ở Hàn Quốc vào thế kỷ XVI, nhưng lại e ngại vì biết rằng nàng rất kiêu sa. Byeokgyesu liền lui tới hỏi một học giả tên Yi Dal cách để gặp được kỹ nữ Hwang Jin-yi thì được chỉ bảo rằng: “Nếu vừa uống rượu vừa tấu đàn Geomungo ở lầu gác gần nhà Hwang Jin-yi thì nhất định nàng sẽ tới ngồi bên cạnh. Lúc đó nếu có thấy nàng thì cũng vờ như không thấy, rồi cưỡi ngựa mà rời đi, Hwang Jin-yi nhất định sẽ đi theo, nhưng đừng ngoái lại cho tới khi đi đến cây cầu. Nếu làm được như vậy thì ắt sẽ toại nguyện.”
Byeokgyesu đã làm theo đúng lời khuyên nhưng có một điều không giống như lời Yi Dal, đó là Hwang Jin-yi không đi theo Byeokgyesu mà đứng trên lầu gác và ngâm áng thơ rằng:
Núi thẳm dưới trời xanh, hỡi nước suối trong
Đừng tự tin sẽ dễ quay về
Dòng chảy trôi ra biển, ắt khó lòng quay lại
Núi vắng tràn ngập ánh trăng trong
Hãy nán lại nghỉ ngơi mà tận hưởng
Ở đây, ta có thể biết ngay rằng “nước suối trong” là chỉ “Byeokgyesu” (chơi chữ “Bích Khê Thủ” thành “bích khê thủy”) và “Myeongwol” (Minh Nguyệt) có nghĩa là “trăng sáng”, cũng chính là bút hiệu của Hwang Jin-yi. Áng thơ có nghĩa đen là: “Dòng nước một khi đã chảy ra biển thì khó lòng có thể quay trở lại nên hãy dừng bước nghỉ khi trăng sáng lên cao”, đồng thời cũng mang nghĩa bóng rằng: “Có Hwang Jin-yi ở đây, hỡi Byeokgyesu! Hãy dừng bước bầu bạn cùng nàng”. Nghe thấy áng thơ Hwang Jin-yi ngâm, quân tử Byeokgyesu giật mình ngoái lại và bị ngã ngựa. Thấy vậy, Hwang Jin-yi liền bật cười chế giễu rồi quay gót vào phòng. Áng thơ cổ Sijo này của Hwang Jin-yi đã được phổ nhạc thành khúc hát “Cheongsanri Byeoksuya” (Hỡi núi xanh nước suối trong) và được lưu truyền cho tới nay.
Tâm trạng của người dân mất nước
Năm 1636 (tức năm Bính Tý), bán đảo Hàn Quốc thời đó gọi là Joseon, bị nhà Thanh Trung Quốc xâm lược. Joseon đã đầu hàng nhà Thanh Trung Quốc chỉ sau hai tháng bị xâm chiếm. Thái tử Sohyeon (Chiêu Hiển) và em trai là hoàng tử Bongnim (Phượng Lâm) bị bắt sang nhà Thanh làm con tin giữa ngày đông lạnh cóng, mưa gió nhạt nhòa. Hoàng tử Bongnim đã tức cảnh thành thơ, lưu lại nỗi đau thương xót xa ngày đó, rằng:
Đã qua chưa Thanh Thạch Tĩnh hay Thảo Hà Khẩu
Thân phận con tin giữa gió Đông Bắc mưa dầm giá rét
Có ai ơi xin hãy tâu cảnh này với vua cha
Áng thơ như hàm chứa mong mỏi nước nhà sớm phục hưng để không có thêm mảnh đời nào phải chịu cảnh khốn cùng nữa. Nỗi niềm thê lương trong áng thơ cổ Sijo này đã được chuyển thể thành khúc hát đoản ca Danga Cheongseokryeong (Thanh Thạch Tĩnh)
* Khúc hát Gwigokseong (Tiếng ma khóc) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Jo Sang-hyeon
* Khúc hát “Cheongsanri Byeoksuya” (Hỡi núi xanh nước suối trong) / Lee Yun-jin
* Khúc chính ca Cheongseokryeong (Thanh Thạch Tĩnh) dành cho giọng nam dòng Gyemyeon Chosudaeyeop / Lee Dong-gyu
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=401484&page=1&board_code=