Văn hóa: Câu chuyện ngày xuân trong thơ ca truyền thống Hàn Quốc
Chuyện hoa và bướm
Vào thời Silla thống nhất (từ thế kỷ VII – X) trên bán đảo Hàn Quốc, vua Đường Thái Tông của Trung Quốc đã gửi tranh và hạt hoa sang cho nữ hoàng Seondeok (Thiện Đức) của Hàn Quốc. Hoa được vẽ trong tranh đẹp rực rỡ nhưng không có một cánh bướm nào. Thấy vậy, nữ hoàng Seondeok thầm nghĩ chắc loài hoa này không có hương thơm. Truyền rằng, người ta đã đem trồng hạt hoa do nhà Đường gửi tặng, thì thực tế khi hoa nở cũng không hề tỏa hương. Đường Thái Tông gửi tặng nữ hoàng Seondeok tranh hoa và hạt giống hoa với chủ ý nhạo báng, chế giễu bà không kết hôn. Vì người xưa quan niệm rằng bướm luôn quấn quít bên hoa và ví người phụ nữ hay những đôi uyên ương với hoa và bướm. Ca khúc với hình ảnh cánh bướm với tựa đề “Nabiya Cheongsan Gaja” (Bướm ơi cùng tới Thanh Sơn nào) có đoạn:
Bướm ơi, ta cùng đi Thanh Sơn nào, cả bướm chúa nữa
Trên đường đi nếu trời sẩm tối mình cùng ngủ lại trong hoa
Nếu hoa ghẻ lạnh ta ngủ lại trên lá mai hẵng đi
Câu chuyện tảo mộ ngày xuân và chiếc gàu sòng tát nước
Năm nay, tiết thanh minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch. Sau tiết thanh minh, thời tiết ấm dần lên. Thanh minh là ngày mà vạn vật có sức sống mãnh liệt nhất trong năm nên người xưa có câu rằng: “Trong tiết thanh minh cắm cành khô xuống đất thì cũng đâm chồi nảy lộc”. Ở Hàn Quốc, Tết Hàn thực, Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ và Tết Trung thu được coi là 4 ngày lễ tết truyền thống lớn trong năm. Ngày Tết Hàn thực và tiết thanh minh thường rơi vào trước hoặc sau, đôi khi trùng với Ngày Trồng cây mùng 5/4 dương lịch của Hàn Quốc. Truyền rằng, dân tộc Hàn có phong tục ăn đồ ăn lạnh trong ngày Hàn thực, xuất phát từ quan niệm “coi trọng lửa”. Người xưa cho rằng giữ cho lửa không tắt là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mỗi gia đình. Hàn thực là ngày người ta tắt ngọn lửa cũ và đốt lửa mới. Trong lúc tắt lửa, người ta ăn đồ ăn lạnh để hạn chế việc nấu nướng dùng lửa, biến đây trở thành một nghi thức quan trọng trong phong tục cổ truyền của người dân. Vào dịp thanh minh và Hàn thực, hoa nở khắp nơi, cỏ cây đâm chồi nảy lộc xanh mướt, vạn vật trên thế gian tràn trề nhựa sống. Từ xa xưa, người Hàn Quốc đã có tục đi tảo mộ vào ngày Hàn thực. Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, có một bài tạp ca của tỉnh Hwanghae và Pyongan, nay thuộc Bắc Triều Tiên, có tên là Jejeon (Tế điện). Đây là khúc hát miêu tả chi tiết quá trình người quá phụ chuẩn bị các món ăn trong mâm cơm cúng dâng lên mộ chồng trong ngày Tết Hàn thực. Khúc hát có câu: “Sau trăm lẻ năm ngày gió thổi từ phía Đông, thiếp tìm đến mộ chàng.” Trong câu, “trăm lẻ năm ngày” chính là 105 ngày sau đông chí, tức tiết Hàn thực. Đoạn đầu của Jejeon (Tế điện) có nội dung, rằng:
Ngày Hàn thực thiếp tìm đến mộ chàng
Trải tấm mền trước mộ, trên mền thiếp trải chiếu
Trên chiếu đặt miếng ván, thiếp lại trải giấy dầu lên ván
Trên giấy dầu thiếp trải lượt giấy thơm,
Rồi bày biện đồ ăn thức uống dâng lên chàng
Ca khúc Jejeon (Tế điện) còn liệt kê hàng loạt các món sơn hào hải vị quý hiếm mà người đàn bà thành tâm chuẩn bị dâng lên người chồng quá cố trong dịp Tết Hàn thực. Khúc hát này giúp người nghe phần nào hiểu hơn về nền văn hóa ẩm thực truyền thống của người Hàn Quốc trong dịp Tết Hàn thực. Ca khúc kết thúc bằng cảnh sau khi dâng lên chồng ba chén rượu, người quá phụ thổn thức rơi lệ oán than rằng: “Sao chàng nỡ bỏ lại thân ngọc này mà ra đi. Nếu sống khôn chết thiêng xin hồn chàng hãy đem thiếp theo cùng”. Đó là cái thời cuộc sống thật không dễ dàng gì đối với người đàn bà một thân một mình còn lại trên cõi đời.
Ở nông thôn Hàn Quốc, giờ đang là thời điểm người nông dân tất bật cày vỡ đất, đắp bờ, tát nước lên ruộng, gieo mạ chuẩn bị cho công việc đồng áng cả một năm. Xưa kia, người Hàn Quốc tát nước bằng chiếc gàu sòng có tên là Yongdure. Gàu sòng tát nước Yongdure được làm bằng gỗ, đẽo dài giống như cái xuồng nhỏ, có hình dạng trông giống như đầu rồng nên có từ “Yongdu” (tức đầu rồng). Chiếc gàu sòng tát nước Yongdure được buộc vào chiếc dây, treo từ đỉnh ba trụ cọc chống chụm đầu vào nhau. Người đi tát nước chỉ cần đẩy đi, đẩy lại nhẹ nhàng chiếc gàu sòng là nước sẽ được đưa từ mương máng xung quanh lên ruộng. Những lúc vài ba người cùng nhau tát nước thì câu hát “Yongdurejil Sori” (Khúc hát gàu sòng tát nước) sẽ giúp họ phối hợp nhịp nhàng các động tác và nâng cao năng suất làm việc.
* Ca khúc “Nabiya Cheongsan Gaja” (Bướm ơi cùng tới Thanh Sơn nào) / Kim Yeong-im
* Khúc tạp ca Jejeon(Tế điện) của tỉnh Hwanghae và Pyongan (nay thuộc Bắc Triều Tiên) / Kim Jeong-yeon
* Khúc hát “Yongdurejil Sori” (Khúc hát gàu sòng tát nước) / Hội bảo tồn câu hát dân gian truyền thống vùng Gohyang thuộc tỉnh Gyeonggi
Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=401485&page=1&board_code=