BẢO TỒN DI SẢN: Đan mành tre Công việc bắt đầu từ 5.700 lần trao đổi ánh mắt
Nghề gia truyền của gia đình nghệ nhân Jo Dae-yong là tạo ra những tấm mành bằng tre, được truyền nối từ giữa thế kỷ 19 (cuối triều đại Joseon) đến đời thứ tư của dòng họ. Tấm mành vừa là vật dụng cần thiết hàng ngày trong những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc với chức năng che chắn ánh nhìn từ bên ngoài, điều chỉnh ánh sáng và phân chia không gian, vừa là tác phẩm nghệ thuật đẹp khắc họa những ước vọng của gia đình qua những hoa văn. Đối với ông, việc đan một tấm mành tre vốn phải di chuyển bàn tay hàng chục nghìn lần trong suốt một 100 ngày cho đến khi hoàn thành chẳng khác gì việc tu hành.
Ảnh. Trên khung dệt, một ống quấn nhỏ được gắn vào cuối mỗi sợi chỉ. Để đan thành một bức mành, những sợi tre đẹp đã chẻ mỏng đến 1 mm được đan dệt cùng với những sợi tơ. Các họa tiết trang trí trên bức mành được tạo ra bởi những thao tác đan chỉ phức tạp. Đối với những họa tiết tinh xảo thì cần hơn 500 ống quấn.
Nghệ nhân Jo Dae-yong nhớ lại hình ảnh cha mình với “đôi bàn tay đang chuyển động”. Cha ông là người đan lưới bằng tay không ở một ngôi làng bên bờ biển Tongyeong, một thành phố du lịch ven biển phía nam của Hàn Quốc. Dù gió bắc hay gió tây thổi, cá vẫn thường hay mắc vào lưới do chính tay cha ông đan thành. Vào giữa đông, với đôi bàn tay khéo léo, cha ông tìm đốn những cây tre cứng cáp trước gió biển. Ông tách thân tre thành những dải mỏng và đan chúng lại với nhau hàng nối hàng cho đến khi chiều dài tấm mành bằng chiều cao một người trưởng thành mới dừng tay. Chất liệu làm mành đa dạng, bao gồm tre, lau sậy, thân cây gai nhưng cha của ông chỉ làm mành tre.
Nghệ nhân Jo Dae-yong giải thích: “Người xưa có câu “Nam nữ thất tuế bất đồng tịch” [Nam nữ từ bảy tuổi trở lên thì không được ngồi chung chiếu với nhau], bởi thế gần như không có người nào ngoài gia đình có thể ra vào căn buồng – không gian riêng của phụ nữ và trẻ em. Khi mở cửa buồng, người ta có thể lờ mờ thấy không gian bên trong, vì vậy treo tấm mành lên xem như một bức rèm chắn. Tuy nhiên, từ bên trong, tấm mành không che chắn mắt và người ta có thể nhìn trọn bên ngoài. Ngược lại, từ bên ngoài, tấm mành ngăn cách nên không nhìn thấu được không gian bên trong. Đó là do sự khác biệt độ sáng tối giữa bên trong và bên ngoài. Vả lại, tấm mành vừa chắn những tia nắng gắt, vừa cho gió phảng phất lùa vào trong.”
Xưa, mành là vật dụng vừa phân chia ranh giới bên trong với bên ngoài giúp tận dụng môi trường sống một cách tài tình, vừa chia tách ánh nhìn từ bên trong với ánh nhìn từ bên ngoài. Việc sử dụng tấm mành đã có lịch sử khoảng một nghìn năm trước, từ thời Tam Quốc. Trong cung điện, người ta đặt một tấm mành ở trước ngai vàng ngăn quần thần tùy tiện nhìn lên thiên tử. Ở các không gian thờ cúng như khám thất của từ đường cũng treo tấm mành để phân tách chốn thế tục với chốn linh thiêng. Người ta cũng treo mành lên cửa chiếc kiệu tránh cái nhìn của người ngoài đối với người trong kiệu.
Chiều tà dịu nắng, khi gió nhẹ lướt qua, những họa tiết trang trí trên tấm mành như bay bổng, tạo nên một bức tranh vẽ trên nền của phong cảnh nơi đây. Tùy theo sự thay đổi của ánh sáng và gió, những sợi chỉ dệt nên các họa tiết lúc thì nổi bật hẳn lên lúc lại như chìm khuất trong cảnh vật.
Quá trình thu thập tre
Jo Dae-yong đã tiếp nhận nghề làm mành của cha như là số mệnh của mình. Ông luôn luôn ở gần bên chiếc mành mà cha ông đan lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, đối với ông không có điểm khởi đầu hay kết thúc rõ rệt cho sự học nghề, cũng không có ý định sẽ làm được hay ý từ bỏ không thể làm được. Ông chỉ ngồi trước khung dệt và ngắm nhìn đôi bàn tay của cha một cách vô tư. Cứ như thế, ông bắt đầu dùng khung dệt đó như thể nó là của ông ngay từ thuở đầu. Nếu kiệt sức, ông đẩy khung dệt ra xa trên sàn nhà rồi nằm xuống, sau một hồi lại ngồi dậy, kéo khung dệt lại gần. Đó là thời gian thường nhật của ông.
Đó cũng là thì giờ thường nhật của cha ông, cũng như của ông nội và ông cố ông. Jo nhớ lại, “Ông cố tôi đỗ kỳ thi võ khoa năm 1856, trước khi nhậm chức, lúc thư nhàn, ông làm tấm mành tre, sau đem dâng lên vua Cheoljong (Triết Tông, vị vua thứ 25 của triều đại Joseon). Nghe nói nhà vua đã rất hài lòng với món quà tặng. Ông nội và cha tôi đều có nghề nghiệp riêng nhưng lúc nhàn rỗi cũng đan mành đem tặng hay thi thoảng bán cho hàng xóm xung quanh. Cha tôi sau khi nghỉ việc đã chính thức đến với nghề đan mành. Khi ấy, trong lúc cùng cha chuẩn bị sản phẩm tham dự một cuộc thi tôi đã nghĩ rằng chắc là mình phải theo con đường này. Đó là vào giữa những năm 1970.”
Việc truyền nối một nghề thủ công không phải là nghề nghiệp qua đến thế hệ thứ tư có ý nghĩa gì? Thứ được thừa kế là cuộc sống, hay nét văn hóa hay một kỹ nghệ? Làm thế nào người ta có thể diễn tả hết bằng lời sinh khí hay những chuyển động trên đôi bàn tay của một nghề thủ công gia truyền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác? Mành tre thực chất là gì đối với Jo Dae-yong – nghệ nhân gìn giữ và đan mành số một Hàn Quốc (được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia số 114)? Những câu hỏi này bất giác hiện ra trong đầu khi tôi đối diện với ông.
Người nghệ nhân bắt đầu với việc giải thích về công việc của mình. “Thợ mộc xây nhà đốn gỗ trước khi nhựa cây dâng lên phần trên của thân cây. Tre cũng như thế. Ta phải đốn trong thời kỳ tre ngủ đông, trước khi mùa xuân đến. Tre đốn trong mùa hè dễ dàng bị gãy rộp khi chạm nhẹ. Vốn dĩ tre không dễ gì gãy nhưng do côn trùng ăn thân tre nên mới như thế. Vì vậy, chúng tôi đun sôi tre mùa hè với dung dịch kiềm rồi mới sử dụng. Đấy là nhằm để ngăn chặn côn trùng ăn thân cây.”
Chất lượng của nguyên liệu quyết định chất lượng của sản phẩm. Vì thế, ánh mắt ông trở nên nghiêm nghị khi tìm kiếm tre. Trong các loại tre, ông chỉ chọn “tre hải tàng” gọi là haejangjuk (danh pháp khoa học là Arundinaria simonii) làm nguyên liệu.
Ông giải thích tiếp. “Tre vua” gọi là wangdae (danh pháp khoa học là Phyllostachys bambusoides) to lớn, thân gần như không có vết xước (do mọc thưa thớt) nên khi vót vỏ rồi đan mành thì màu sắc tươi sáng, song thân tre dễ gãy vì cứng. Ngược lại, tre hải tàng mảnh khảnh và mọc thành cụm san sát nhau. Thế nên, tuy chúng đu đưa va vào nhau tạo nên nhiều vết trầy xước mỗi khi gió bão nhưng thân mềm nên khó gãy và có độ đàn hồi tốt. Cậu biết ngày xưa có loài tre dùng làm cung tên hoặc điếu cày đúng không? Đó chính là loài tre tôi đang nói.”
Ông chỉ một chồng sợi tre ở góc phòng làm việc. Ông nói đấy là nguyên liệu dành cho một năm mà ông đã thu gom hơn một tháng từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Bao nhiêu đấy có thể làm ra bảy hay tám sản phẩm. Thế nhưng việc tìm kiếm để có được nguyên liệu như thế là một công việc gian khổ, phải cúi người xuống và quan sát kỹ cuộc đời của cây tre. Ông tìm khắp cánh đồng tre hải tàng đang mọc san sát nhau những cây tre không có vết trầy xước và mọc thẳng nuột. Tre non 1 – 2 tuổi thì không thể lấy do rất khó chẻ và mềm như giấy. Chỉ loại tre 3 tuổi dễ dàng chẻ tách bằng dao mới làm thỏa mãn ông. Nhưng trong chừng 10 cây tre, ông chỉ chọn được một thân cây đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn đó.
Ảnh. Gia đình nghệ nhân Jo Dae-yong đã làm mành tre suốt năm thế hệ, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Con gái của ông, Jo Suk-mi, đang làm việc cùng cha bên khung dệt.
…………………….. (Khoa chỉ đăng tải 1 phần tin mời các bạn xem toàn văn theo trích dẫn bên dưới)
Mời các bạn xem toàn văn tại nguồn: https://koreana.or.kr/user/0010/nd42411.do?View&boardNo=00001835&zineInfoNo=0010&pubYear=2018&pubMonth=SUMMER&pubLang=Vietnam