Những nhạc phẩm ngắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Hàn

Những nhạc phẩm ngắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Hàn

 

Nhạc phẩm Sujecheon

Hầu như mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có câu chuyện “khai thiên lập địa” của mình. Ngày xửa ngày xưa, cái ngày mà mọi người đang sống rải rác khắp nơi tụ họp về một chốn để cùng chung sống và tạo dựng nên lề thói luật lệ cộng đồng, đó có lẽ chính là thời điểm con người tạo ra sự khác biệt với các loài vật khác trên thế gian. Thời chưa có chữ viết, những câu chuyện “khai thiên lập địa” được truyền miệng từ người này sang người khác, dần dần về sau trở thành chuyện thần thoại. Nếu nhìn nhận bằng tư duy thời nay, thì quả đó là những câu chuyện phi lý, phản khoa học hay chỉ là những câu chuyện mê tín dị đoan. Nhưng đó lại chính là những câu chuyện thấm nhuần niềm tự hào của các dân tộc được truyền từ đời này qua đời khác. Hôm nay là mùng 3 tháng 10, vào ngày này của 4351 năm trước, Dangun (Đàn Quân), người con trai của thần nhà trời là Hwanung (Hoàn Hùng) đã xuống hạ giới gây dựng nên nhà nước đầu tiên của dân tộc Hàn có tên là Gojoseon.

Trong nhạc phẩm Sujecheon (Thọ tề thiên), do dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia thể hiện. “Thọ” ý chỉ “mạng sống”, “Thiên” là “trời”, “Thọ tề thiên” là nhạc phẩm mang ý nghĩa cầu nguyện cho tuổi thọ và sự phồn vinh. “Sujecheon” (Thọ tề thiên) được biết tới là nhạc phẩm được sáng tác trong thời Baekje cách đây 1400 năm. Nhạc phẩm “Sujecheon” vốn có nguồn gốc từ khúc ca “Jeongeupsa” (Tỉnh ấp từ) của thời đại Baekje. Người đời truyền nhau rằng đây là khúc hát về một người phụ nữ chờ chồng từ phương xa trở về. Trong đêm lạnh, nàng thổn thức với trăng, cầu mong vầng trăng bạc mọc cao hơn nữa để soi tỏ đường trường, dẫn đường cho chồng nàng. Khúc ca “Jeongeupsa” (Tỉnh ấp từ) ” được bắt đầu bằng câu “Ánh trăng ơi! Lên cao, cao hơn nữa!Trải bóng dài, dài nữa hỡi ánh trăng!”. Nó đã chiếm được sự đồng cảm của người dân Hàn Quốc, trường tồn qua thời Goryeo, Joseon dưới hình thức nhạc phẩm cung đình và được biểu diễn trong các sự kiện quan trọng của quốc gia. Theo dòng chảy của thời gian, khúc ca không còn được lưu truyền phần lời và ý nghĩa nguyên bản như lời hát của người con gái thời Baekje thủa ban đầu, nhưng vẫn sống động với tình người chan chứa.

Những nhạc phẩm để đời của đức vua Sejong (Thế Tông)

Vua Sejong (Thế Tông) vị vua thứ IV của vương triều Joseon, được biết tới là một vị quân vương anh minh, thương dân, vì nước. Ngài đã sáng tạo chữ viết Hangul cho bách tính, sáng tác nhạc phẩm Yeominrak (Dự dân lạc) để cùng chung vui với bách dân. Với tài trí và đức độ song toàn, vị vua Sejong của Hàn Quốc còn để lại cho đời những tác phẩm văn hóa nghệ thuật kinh điển như “Jongmyojeryeak” (Âm nhạc tế lễ Tông miếu), một nhạc phẩm được Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa liên hiệp quốc (UNESCO) bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong bộ sách “Sejong Sillok” (Thế Tông thực lục) được biên soạn dưới thời vua Sejong vào thế kỷ XV có nội dung ghi lại việc đức vua Sejong đã đích thân sáng tác những nhạc phẩm để đời này. Ví như nội dung được ghi chép vào tháng 12 năm 1449 (Năm thứ 31 Sejong trì vị) có đoạn “Nhà vua am hiểu âm nhạc và tự sáng tác nhạc phẩm mới. Ngài cầm que gõ nhịp trên nền đất và sáng tác nhạc phẩm trong một ngày đêm”.

Nhạc tế lễ Tông miếu Jongmyojeryeak gồm có 11 bản “Botaepyeong” (Bảo thái bình) ca ngợi văn đức, 11 bản “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp) ca ngợi võ đức của các vị tiên vương. Truyền rằng, trước khi Hàn Quốc có nhạc tế lễ Tông miếu, âm nhạc được tấu trong nghi lễ thờ cúng các vị tiên vương tại tông miếu, đều là nhạc Trung Quốc. Vua Sejong (Thế Tông) cho rằng “Khi sống ta nghe nhạc ta, đến lúc chết lại nghe nhạc Trung Quốc thì quả là bất hợp lý”. Mong muốn tạo ra âm nhạc cho nghi thức cúng giỗ tổ tiên, nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của quần thần, vua Sejong đã không thực hiện được nguyện ước này. Thấu hiểu tâm tư của cha, con trai vua Sejong (Thế Tông) là vua Sejo (Thế Tổ) sau này đã cho sửa âm nhạc Botaepyeong (Bảo thái bình) và Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) thành âm nhạc tấu tại tông miếu trong các nghi thức cúng giỗ tổ tiên Jongmyojeryeak. Sách “Thế Tông thực lục” viết rằng vua Sejong đã phái cử quần thần tới các địa phương trên cả nước để ghi chép lại các câu hát của muôn dân và đây là cách ông tìm hiểu tâm nguyện da diết của người dân được thể hiện trong mỗi ca từ lời hát.

* Nhạc phẩm Sujecheon (Thọ tề thiên)/dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

* Trích đoạn Somu (Chiêu vũ), Dokgyeong (Đốc khánh) và Yeonggwan (Linh quan) trong bản Jeongdaeeobjigok (Định đại nghiệp) Âm nhạc tế lễ Tông miếu/dàn chính nhạc trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

* Khúc dân ca Arirang của vùng Gangwon/ nhóm nhạc truyền thống Ido

 

Nguồn: http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=culture&id=&board_seq=348290&page=1&board_code=